Làm gì để ngăn chặn những thảm kịch do hỏa hoạn tại các quán karaoke?
Chúng ta ngồi kiểm điểm với nhau chỉ ra phải thế này, thế kia, nhưng một thời gian im ắng lại đâu vào đấy; các cơ sở karaoke vẫn bật đèn sáng choang, các biển quảng cáo vẫn che hết mặt tiền...
Tháng 5/2010, một vụ cháy lớn tại quán karaoke Manaza trên phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Rất may, các nhân viên cơ sở này đã thoát ra ngoài kịp thời nên không ai thiệt mạng.
Tháng 5/2014, một vụ cháy dữ dội ở quán karaoke 43G Giảng Võ (Hà Nội) khiến 5 người chết gồm chủ quán và 4 nhân viên.
Tháng 9/2016 quán karaoke 6 tầng ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy dữ dội, nhiều phụ nữ đã may mắn thoát ra ngoài bằng cách dùng áo lót để bịt vào mũi chống khói độc. Vụ cháy tại cơ sở này cũng rất lớn nhưng may mắn không có ai thiệt mạng.
Nhưng thần may mắn đã không xuất hiện ở quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy. Tháng 11/2016, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại 68 Trần Thái Tông, cướp đi sinh mạng 13 người.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh năm đó đã phát biểu rằng vụ cháy quán karaoke tại 68 Trần Thái Tông là "sự cố nặng nề nhất trong lịch sử 19 năm thành lập quận".
Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, nhóm thợ hàn gây ra vụ hỏa hoạn và chủ quán karaoke đã phải chịu mức án tù thích đáng.
Về phía chính quyền địa phương, UBND quận Cầu Giấy quyết định hình thức kỷ luật cách chức với hai cá nhân là các bà Nguyễn Thị Xuân Nữ (Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận) và bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu).
Hai người khác bị khiển trách là bà Trịnh Thị Dung (Phó Chủ tịch UBND quận), ông Nguyễn Tiến Huy (công chức phường Dịch Vọng Hậu). Ông Nguyễn Quang Thắng (Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu) bị cảnh cáo.
Sau sự cố, quận Cầu Giấy đã kiểm tra toàn bộ 88 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép trên địa bàn thì 3 nơi không hoạt động, 85 quán còn lại đều có vấn đề về phòng cháy, chữa cháy. Các cơ sở vi phạm, không đủ điều kiện thoát nạn, cứu nạn đều bị dừng hoạt động.
Mặc dù chính quyền quận Cầu Giấy khi đó đã có những động thái cương quyết để kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) lúc bấy giờ, cũng đã phát biểu: "Chúng ta ngồi kiểm điểm với nhau chỉ ra phải thế này, thế kia, nhưng một thời gian im ắng lại đâu vào đấy; các cơ sở karaoke vẫn bật đèn sáng choang, các biển quảng cáo vẫn che hết mặt tiền...".
Và những nhận định này của ông Nam đã trở thành sự thật. Sau 6 năm, thảm kịch đã lặp lại. Ngày 1/8/2022, thêm một vụ cháy khác tại quán karaoke trên phố Quan Hoa khiến 3 chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hy sinh.
Nhìn nhận về một số vụ cháy quán karaoke gần đây, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá rằng việc liên tiếp xảy ra những vụ cháy quán karaoke tại địa bàn quận Cầu Giấy là một vấn đề rất nghiêm trọng, đặc biệt trong những năm gần đây.
"Tôi cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng còn sơ hở, công tác kiểm tra không được thường xuyên, hoặc có thì cũng qua loa, chưa cương quyết xử lý đến nơi đến chốn những cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao nhưng chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Để ngăn chặn những thảm kịch có thể xảy ra tại quán karaoke, mới đây nhất, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu Đảng ủy Công an thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật; Quận ủy Cầu Giấy tổ chức kiểm điểm và có biện pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Văn bản này cũng nhấn mạnh, "người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trên địa bàn, phạm vi quản lý".