08:37 07/09/2011

Lạm phát kỳ vọng có thể gây sức ép tăng giá

Lê Trà

Giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng nhích nhẹ trong tháng 9 sau một thời gian giữ ổn định trong tháng 8

Giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn ổn định từ tháng 3/2011 đến nay.
Giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn ổn định từ tháng 3/2011 đến nay.
Tâm lý kỳ vọng lạm phát trước việc tăng lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp là một trong những nhân tố gây sức ép tăng giá thị trường tháng 9/2011.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại bản đánh giá tình hình thị trường vừa được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố ngày 6/9/2011.

Theo cơ quan này, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng nhích nhẹ trong tháng 9 sau một thời gian giữ ổn định trong tháng 8. Mặt hàng đường được dự báo giữ ổn định hoặc giảm nhẹ do nhu cầu về đường cho dịp Trung thu đã đáp ứng đủ và lượng đường tồn kho khá lớn. Thị trường vật liệu có thể sẽ chứng kiến một đợt tăng giá nhẹ do nhu cầu xây dựng gia tăng trong dịp cuối năm.

Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, thị trường hàng hóa thiết yếu thế giới tháng 9/2011 có những biến động trái chiều, tuy nhiên mức biến động không lớn. Một số mặt hàng nông sản giá có thể tăng do nhu cầu cao hơn và chính sách thu mua của một số quốc gia, giá một số mặt hàng nhiên liệu có thể giảm nhẹ do lo ngại về tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu.

Trong nước, ngoài những yếu tố tác động giảm áp lực tăng giá như giảm giá xăng dầu, các chương trình bình ổn giá năm 2011, chương trình khuyến mãi, các giải pháp kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự báo giá cả thị trường tháng 9/2011 còn chịu tác động của một số nhân tố chính.

Tháng 9 tiếp tục là mùa mưa bão, có khả năng xảy ra các cơn bão, mưa lớn ở miền Trung, miền Nam, lũ ở ĐBSCL, khả năng giá lương thực, hàng hóa sinh hoạt tăng trên một số địa bàn. Dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn cũng tác động tới tâm lý tiêu dùng làm tăng giá thực phẩm thay thế.

Ngoài ra, nhu cầu đi lại và nhu cầu đối với một số hàng hóa, dịch vụ mùa khai giảng, Tết Độc lập, Tết Trung thu, tỷ giá có xu hướng tăng, giá vàng vẫn ở mức cao và còn diễn biến phức tạp, tâm lý kỳ vọng lạm phát trước việc tăng lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp cũng là những nhân tố gây sức ép tăng giá thị trường tháng 9/2011.

Trên thị trường lúa gạo, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến sản lượng lúa năm 2011 đạt 41,6 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn. Sau khi trừ tiêu dùng trong nước khoảng 27,52 triệu tấn, lượng lúa xuất khẩu năm 2011 có thể đạt 14 triệu tấn, tương đương 8 triệu tấn gạo.

Lượng lúa phục vụ xuất khẩu mặc dù tăng so với năm trước nhưng do xuất khẩu được giá và nhu cầu mua gạo Việt Nam tăng mạnh nên giá lúa gạo tại miền Nam có xu hướng tăng. Về tình hình xuất khẩu, ước 8 tháng đầu năm đạt 5,314 triệu tấn, tương đương 2,602 tỷ USD.

Về mặt hàng thực phẩm tươi sống, do thời tiết thuận lợi nên giá cả mặt hàng này trong tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng 7. Cục Quản lý giá dự báo, trong tháng 9, giá các mặt hàng thực phẩm có xu hướng chững lại hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào hơn, đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, giá một số loại hoa quả sẽ tăng trong dịp Tết Trung thu.

Đối với mặt hàng đường, lượng đường các nhà máy bán ra từ 11/7 đến 15/8 là 144.900 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 98.800 tấn. Tồn kho tại các nhà máy đường đến 15/8 là 149.700 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 23.100 tấn. Trên thị trường, giá bán buôn đường tháng 8/2011 tăng nhẹ so với tháng 7/2011 với mức tăng khoảng 800-1.600 đồng/kg.

Giá bán buôn đường tăng được nhìn nhận là do họat động tăng cường mua vào của các nhà máy sản xuất chuẩn bị cho Tết Trung thu. Đến nay, do việc chuẩn bị Tết Trung thu đã vào giai đoạn cuối, nên nhu cầu trong nước không cao. Tồn kho tại các nhà máy đường khá lớn nên dự báo nguồn cung đường đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, do đó, giá đường có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 9.

Với mặt hàng sữa, trên thị trường thế giới, giá sữa bột có xu hướng giảm tại các thị trường. Tại thị trường trong nước, theo đăng ký giá của các doanh nghiệp sữa với Bộ Tài chính thì giá mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn ổn định từ tháng 3/2011 đến nay.

Cục Quản lý giá dự báo, do một số chi phí đầu vào như chi phí tài chính, chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển vẫn đứng ở mức cao, cộng với tác động từ việc tăng lương tối thiểu vùng, dự báo giá sữa trong nước sẽ có xu hướng biến động tăng trong thời gian tới.

Trên thị trường vật liệu xây dựng, giá xi măng và thép xây dựng có xu hướng ổn định trong tháng 8 và được dự báo có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 9.

Trong tháng 8, ước tổng sản lượng sản xuất xi măng đạt 3.530.000 tấn, tăng khoảng 260.000 tấn so với tháng trước, mức tiêu thụ cũng tăng khoảng 140.000 tấn so với tháng trước. Hiện nay, lượng xi măng sản xuất toàn ngành luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của xã hội. Dự báo, tháng 9, giá xi măng tại các công ty sản xuất xi măng sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ do nhu cầu xây dựng hoàn thiện công trình cuối năm.

Cùng xu hướng này, giá thép của hầu hết các công ty vẫn ổn định. Riêng Tổng công ty thép Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thương hiệu thép miền Nam với mức tăng 500 đồng/kg, áp dụng từ ngày 18/8. Tại các tỉnh miền Bắc, giá thép tăng khoảng 700 đồng/kg, mức tăng này tại các tỉnh miền Nam là 200 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.

Dự báo, giá phôi thép thị trường thế giới và giá thép trong nước tháng 9 sẽ tăng nhẹ do ảnh hưởng bởi giá phôi nhập khẩu và nhu cầu tiêu thụ tăng.