11:55 22/07/2011

“Lạm phát vẫn có thể bùng phát trở lại”

Nguyên Thảo

Kiến nghị từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Ủy ban Kinh tế, cần nhất quán, kiên trì thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, thậm chí có thể tiếp tục cho cả năm 2012, cho đến khi lạm phát thực sự ổn định.
Theo Ủy ban Kinh tế, cần nhất quán, kiên trì thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, thậm chí có thể tiếp tục cho cả năm 2012, cho đến khi lạm phát thực sự ổn định.
Cho rằng “gói bình ổn kinh tế vĩ mô”, tức Nghị quyết 11 của Chính phủ, chưa phải là phương thuốc cơ bản để giải quyết các bất ổn của kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế khóa 12 của Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị tại bản tin kinh tế vĩ mô số 4. Bản tin này vừa được gửi đến Quốc hội khóa 13.

Dấu hiệu hạ nhiệt chưa rõ ràng

Nhận định có xu hướng hạ nhiệt song “lạm phát vẫn có thể bùng phát trở lại” đã được Ủy ban đặt lên hàng đầu trong các thách thức bất ổn vĩ mô ở phía trước.

Những nền tảng chưa thực sự ổn định được cho là nguyên nhân của nỗi lo này. Đó là giá dầu và lương thực thế giới dự báo vẫn ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng, tỷ giá còn nhiều sức ép giảm giá trị vào cuối quý 3 và quý 4.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng có thể khó kiểm soát như các năm trước khi lãi suất có xu hướng giảm và vào giai đoạn nhu cầu vốn cao ở những tháng cuối năm, trong khi đầu tư công có thể chưa thể cắt giảm nhiều như kỳ vọng.

Theo phân tích của Ủy ban, hiệu lực của chính sách tiền tệ mất đi một phần tác dụng do rủi ro thanh khoản và những méo mó trong hệ thống ngân hàng. “Đây là một kênh khiến rủi ro chính sách không nhất quán luôn tồn tại, và bài học của năm 2010 vẫn còn nguyên giá trị”, bản tin nhấn mạnh.

Với nhận định chắc chắn tỷ giá sẽ còn chịu nhiều sức ép vào cuối năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dư nợ ngoại tệ tăng cao trong 2 quý đầu năm có thể khiến nhu cầu USD tăng mạnh để trả nợ đáo hạn vào thời điểm cuối quý 3 và 4.

Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối tăng sẽ khiến dư địa tác động đến  tỷ giá tốt hơn và dự kiến cán cân thanh toán năm nay có thể thặng dư 1 – 2 tỷ USD do tác động tích cực của cuộc chiến chống đô la hóa, bản tin cho biết.

Nếu cần, thắt chặt tiền tệ cho cả năm 2012

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến cấu trúc và mô thức tăng trưởng kinh tế - nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bất ổn vĩ mô dai dẳng từ 2007 đến nay, theo Ủy ban Kinh tế, cần có thêm những giải pháp mang tính dài hạn bên cạnh “gói hạ sốt” là Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Ngay giai đoạn trước mắt, bên cạnh việc giữ đúng liều lượng thắt chặt của nghị quyết này, khi cơn sốt có dấu hiệu hạ nhiệt thì cần đến những toa thuốc khác tập trung trực diện hơn vào một số khu vực khác của nền kinh tế nhằm giúp ổn định vĩ mô bền vững hơn.

Từ nhận định này, Ủy ban đã đưa ra một số kiến nghị chính sách cụ thể cho 6 tháng cuối năm.

Như, cần nhất quán, kiên trì thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, thậm chí có thể tiếp tục cho cả năm 2012, cho đến khi lạm phát thực sự ổn định.

Quan điểm của Ủy ban được thể hiện tại bản tin là cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa cuộc chiến chống Đô la hóa để giữ ổn định thị trường ngoại hối, gia tăng dự trữ quốc gia và tăng hiệu quả chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Với phân tích lãi suất tiền đồng đang có xu hướng giảm theo xu hướng của lạm phát, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần giảm tiếp lãi suất huy động USD để không làm đảo ngược quá trình đổi USD sang VND.

“Ngân hàng Nhà nước nên giảm trạng thái ngoại tệ được giữ trong ngày của các ngân hàng thương mại để có cơ hội gia tăng thêm được dự trữ ngoại hối, từ đó, tăng được khả năng can thiệp vào thị trường mỗi khi tỷ giá biến động bất lợi”, kiến nghị tiếp theo được đưa ra.

Về chính sách tài khóa, điều được cơ quan thực hiện bản tin nhấn mạnh là cách thức phát thông điệp của chính sách này cần theo cách thức phát thông điệp của chính sách tiền tệ.

Bên cạnh các nội dung nói trên, nhiều kiến nghị về điều hành giá các mặt hàng đầu vào chiến lược, hạn chế nhập siêu và nhóm kiến nghị liên quan đến một số khu vực của nền kinh tế cũng được đưa ra.

Theo đó, được đặt lên hàng đầu là kiến nghị liên quan đến khu vực ngân hàng. “Những giải pháp mạnh như sáp nhập ngân hàng, đặt các ngân hàng trong kiểm soát đặc biệt để các ngân hàng tái cơ cấu… có thể cần được xem xét đến”, bản tin nêu rõ.