Lần đầu tiên Quốc hội lập đoàn giám sát BOT giao thông
Qua giám sát sẽ xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ra nghị quyết lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thưc hợp đồng - xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT)”.
BOT trong giao thông là nội dung chưa từng được từng được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ tổ chức giám sát. Và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội là một trong các cơ quan đề xuất giám sát nội dung này.
Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội sẽ là trưởng đoàn.
Bên cạnh nhiều thành viên của Uỷ ban Kinh tế, thành phần đoàn giám sát còn có một phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đoàn đến giám sát.
Được mời tham gia hoạt động của đoàn giám sát còn có đại diện của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Kiếm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam...
Phạm vi giám sát lần này là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về triển khai đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trên phạm vi cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016,
Theo số liệu gần đây, trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 là 121 trạm thu phí BOT.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xức trong nhân dân như: thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định…
Việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, dư luận bức xúc.
Mục đích của giám sát là rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo mô hình BOT.
Đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung trên trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016; những kết quả đạt được, đặc biệt là kết quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua trái phiếu chính phủ cho tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2016; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập.
Qua giám sát sẽ xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, kiến nghị để hoàn thiện các hình thức đầu tư khác như hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng-chuyển giao (BT)… nếu có.
Nghị quyết nêu rõ, kết quả giám sát sẽ được báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2017.
Đoàn giám sát cũng được giao trách nhiệm chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề; chuẩn bị báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).