09:44 27/11/2007

Lập doanh nghiệp “ma” để “kinh doanh” hóa đơn đỏ

Xuân Phú

Nhiều tổng giám đốc thực ra chỉ là người làm thuê cho những kẻ chuyên lập ra doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn đỏ

Những công ty ma buôn hóa đơn đỏ đang gây thất thu nặng cho ngân sách Nhà nước.
Những công ty ma buôn hóa đơn đỏ đang gây thất thu nặng cho ngân sách Nhà nước.
Gần đây, ngành thuế Đồng Nai đang phải “nhức đầu” đối phó với thủ đoạn của những kẻ chuyên thành lập doanh nghiệp “ma” để "kinh doanh" hóa đơn đỏ rộ lên khá nhiều.

Người thanh niên có gương mặt non choẹt bước vào Đội kiểm tra 1 - Chi cục Thuế thành phBiên Hoà - tỏ ra lúng túng trước những câu hỏi của cán bộ thuế về tình hình kinh doanh. Ít ai biết rằng đó là Hà Ngọc Phước, mới 21 tuổi, đã là Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Châu Vina, có vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh tổng hợp từ xây dựng dân dụng, công nghiệp đến mua bán vật liệu xây dựng, kim khí, điện máy, nông sản, vận tải hàng hóa...

Chân dung doanh nghiệp “kinh doanh” hóa đơn đỏ

Trụ sở công ty Tân Châu Vina đăng ký tại 11/7 khu phố 3, tỉnh lộ 24 phường Bửu Long - Biên Hòa. Còn Tổng giám đốc Hà Ngọc Phước thì cư trú 298/9 đường Phan Văn Trị, phường 11 quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Kết thúc buổi làm việc, khi nghe cán bộ Đội kiểm tra thuế đề nghị ký tên vào biên bản, Hà Ngọc Phước giật mình nói: “Em cũng phải ký tên vào biên bản hay sao?”. Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Châu Vina rất lo sợ trách nhiệm liên can vì có biết gì về kinh doanh, mua bán đâu!

Còn Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH An Vinh Hữu có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, kinh doanh đa ngành nghề từ xây dựng, trang trí nội thất đến mua bán nông sản, xe ô tô, xe cơ giới... nhưng lại không biết chữ!

Văn phòng đặt tại 29 khu phố 4, tỉnh lộ 24, phường Bửu Long - Biên Hòa. Trong giấy đăng ký kinh doanh thành lập công ty An Vinh Hữu, đứng tên ông Phan Văn Bảy, 45 tuổi, ngụ tại ấp chợ xã An Quảng Hữu, huyện Trà C, tỉnh Trà Vinh cùng với một thành viên khác là bà Võ Thị Hằng, là vợ của ông Bảy. Khi họ đến đăng ký mua hóa đơn ở Chi cục Thuế Biên Hòa, cán bộ thuế phát hiện ra rằng Giám đốc Bảy hình như không biết chữ, vì các chữ ký lằng ngoằng rất khác nhau. Ông Bảy cũng cho biết trước đó ông làm thợ hồ!

Theo điều tra của cán bộ thuế Biên Hòa thì Tổng giám đốc Hà Ngọc Phước hay Tổng giám đốc Phan Văn Bảy và còn nhiều tổng giám đốc khác thực ra chỉ là người làm thuê cho những kẻ chuyên lập ra doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn đỏ bất hợp pháp.

Các doanh nghiệp này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, khi bị cơ quan thuế kiểm tra ráo riết về hoạt động kinh doanh và chứng từ hóa đơn đầu vào, đầu ra thì sẽ đóng cửa, bỏ trốn. Chỉ dọc theo tỉnh lộ 24 thuộc phường Bửu Long đã có tới gần 20 doanh nghiệp “ma” thuê mướn văn phòng hoạt động, nhưng cho đến nay đều đã đóng cửa, bỏ trốn và ôm theo cuốn hóa đơn đỏ.

Một điều giống nhau là những công ty “ma” đăng ký kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề và không thể không có vật liệu xây dựng và nông sản. Khi kiểm tra hóa đơn thì các công ty “ma” thường mua bán hóa đơn qua lại với nhau. Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc của nhiều doanh nghiệp “ma” là người có hộ khẩu ngoài tỉnh, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa.

Những chủ doanh nghiệp “ma” giấu mặt

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Biên Hòa, cho biết: do ngành thuế thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện qui trình một cửa vào đầu năm nên đã kịp thời phát hiện ra nhiều doanh nghiệp “ma” để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngay từ khâu đầu tiên tiếp nhận hồ sơ mua hóa đơn lần đầu, Đội Tuyên truyền hỗ trợ khi thấy có những dấu hiệu khả nghi sẽ báo lên Đội Kiểm tra. Thông qua công tác quản lý hồ sơ doanh nghiệp bằng chương trình phần mềm tin học, Đội Kiểm tra sẽ có danh sách doanh nghiệp nằm trong diện “cảnh báo”. Khi thấy cần thiết, Chi cục sẽ cử cán bộ thuế đi xác minh “nóng”, xuống trực tiếp văn phòng công ty để tìm hiểu hoạt động kinh doanh với hóa đơn đầu vào, đầu ra.

Ông Công cũng cho biết khó khăn hiện nay là theo quy định của Nhà nước thì mặc dù có phát hiện ra doanh nghiệp nghi vấn nhưng cơ quan thuế vẫn không thể từ chối bán hóa đơn lần đầu cho doanh nghiệp (1 cuốn hóa đơn có 50 liên). Chỉ cần một cuốn hóa đơn lần đầu này thôi thì doanh nghiệp “ma” cũng mặc sức tung hoành, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Do vậy, Chi cục Thuế chỉ có thể ngăn chặn hạn chế thiệt hại cho Nhà nước bằng việc tăng cường kiểm tra đối với doanh nghiệp có nghi vấn.

Đến nay, Chi cục Thuế Biên Hòa đã phát hiện và ra thông báo 70 công ty đã bỏ trốn, trong đó chuyển hồ sơ qua cơ quan công an 15 công ty. 70 công ty bỏ trốn đã xuất hóa đơn có tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng, tính sơ bộ Nhà nước thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%, tương đương 280 tỷ đồng. Chưa tính thuế giá trị gia tăng 10%.

Điển hình như công ty TNHH thương mại đầu tư Tân Hùng, ở 11/10 khu phố 2, tỉnh lộ 24 phường Bửu Long, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp ngày 12/7/2007. Giám đốc là ông Hồ Tấn Hùng, thường trú 204/12 đường Trần Phú, phường 9 quận 5, Tp.HCM.

Chỉ trong tháng 7 năm nay, Công ty Tân Hùng kê khai tổng doanh thu hơn 7,3 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra hơn 540 triệu đồng. Qua xác minh của Chi cục Thuế Biên Hòa, công ty Tân Hùng đã sử dụng hóa đơn của 2 công ty khác cũng đã bỏ trốn, đồng thời Tân Hùng sau đó cũng đóng cửa văn phòng từ giữa tháng 9 năm nay.

Với quyết tâm không để doanh nghiệp “ma” có thể “sống” bằng hóa đơn đỏ, gây thất thu thuế cho Nhà nước, ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng, cho biết, Chi cục Thuế Biên Hòa sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, làm tốt việc hậu kiểm sau khi đã bán hóa đơn lần đầu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc tìm cho ra kẻ chủ mưu phải nhờ vào sự đấu tranh quyết liệt của các cơ quan pháp luật, vì các giám đốc của doanh nghiệp “ma” đều là người làm thuê.