15:46 15/08/2023

Lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Anh Tú

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP...

Nhà nước dự kiến đầu tư góp vốn dưới 10.000 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Nhà nước dự kiến đầu tư góp vốn dưới 10.000 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo UBND các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Phước (101 km) và tỉnh Đắk Nông (27,8 km), quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75m, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (quy mô 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m).

Về hướng tuyến, điểm đầu tuyến từ Km1915+900 của Quốc lộ 14, tại đây tuyến đi về hướng bên trái Quốc lộ 14 thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông. Điểm cuối tuyến từ điểm giao với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, xây dựng đoạn tuyến mở mới dài khoảng 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

 

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km, đi qua địa phận hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 25.987 tỷ đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND Bình Phước làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỉnh Bình Phước đã chấp thuận liên danh Vingroup-Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án.

Thực hiện chỉ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Phước đưa ra phương án đầu tư dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 25.987 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 16.609 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 4.640 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tư vấn và chi phí khác 996 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.484 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng 1.258 tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô đầu tư lớn, tuy nhiên ngân sách của hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước chỉ đủ khả năng tham gia với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng (Đắk Nông 1.000 tỷ đồng và Bình Phước 3.000 tỷ đồng).

Do đó, với mục tiêu tăng tính khả thi và hấp dẫn đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan cân nhắc, phê duyệt chi khoảng 5.987 tỷ đồng để hỗ trợ dự án.

Như vậy, dự kiến, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án khoảng 9.987 tỷ đồng (chiếm khoảng 38,43% tổng mức đầu tư), trong đó ngân sách trung ương khoảng 5.987 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 4.000 tỷ đồng.

Còn vốn nhà đầu tư huy động 16.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 61,57% tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 21 năm 4 tháng.

Sau khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP.HCM; đồng thời, tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Từ đó, tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho hai địa phương mà cả vùng Tây Nguyên kết nối khu vực Đông Nam Bộ, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng an ninh cho vùng.