Liên kết ba bên hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh tại Việt Nam
Mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu được kỳ vọng sẽ mang đến những hiệu quả tích cực khi hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh tại Việt Nam...
Công ty TNHH Nhựa An Phú Việt đặt tại tỉnh Hưng Yên chuyên sản xuất các sản phẩm từ nhựa như linh kiện điện tử, điện thoại, xe máy; lắp ráp các phụ tùng thiết bị điện tử. Mặc dù được thành lập từ năm 2011 nhưng trong suốt 11 năm qua, các dữ liệu sản xuất và vận hành của nhà máy đều được doanh nghiệp này thu thập một cách cục bộ.
Gần đây, sau khi được lựa chọn tham gia dự án Phát triển nhà máy thông minh của Samsung, An Phú Việt đang được các chuyên gia Samsung hỗ trợ xây dựng “Hệ thống quản lý công đoạn” cho phép quản lý sản lượng/chất lượng và thiết bị theo thời gian thực, tiến tới số hóa nhà xưởng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty An Phú Việt cho biết, dù mới bắt đầu dự án nhưng doanh nghiệp đã đã học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia Samsung, từ đó nỗ lực thay đổi nhà máy của mình. “Nhờ các chuyên gia, chúng tôi dần biết cách xây dựng hệ thống quản lý 1 cách thông minh và đang dần hoàn thiện”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.
An Phú Việt chỉ là 1 trong số 14 doanh nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Hà Nam đang tham gia dự án phát triển nhà máy thông minh do Samsung Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công thương và các địa phương thực hiện.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023)
Sự liên kết giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu như vậy sẽ góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh, tạo nền tảng để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước đó, mô hình liên kết 3 bên để phát triển công nghiệp phụ trợ cũng đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công thương và các địa phương triển khai trong nhiều dự án khác.
Khởi đầu vào tháng 2/2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh.
Chương trình đã thực hiện tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng cho 15 doanh nghiệp trên địa bàn và nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, thay đổi nhận thức của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp trong vấn đề duy trì các hoạt động cải tiến, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, chất lượng, giao hàng mà còn cả về trách nhiệm với xã hội trong vấn đề về môi trường, an toàn lao động.
Đến tháng 9/2020, Bộ Công thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và Chương trình phát triển nhà cung ứng được diễn ra trong 6 năm từ 2020 – 2025. Đến nay chương trình hợp tác này cũng gặt hái nhiều kết quả tích cực
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến cuối năm 2021, có 32 doanh nghiệp Bắc Ninh được tư vấn cải tiến, giúp tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, giảm thiểu tồn kho; các nhà cung ứng của Samsung tại Bắc Ninh đã tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; nhiều doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và quảng bá, giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn đa quốc gia cũng như tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thông qua các dự án, Samsung mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi lĩnh vực như nghiên cứu, sản xuất…để từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu.
Chúng tôi hy vọng rằng Chính Phủ Việt Nam sẽ quan tâm và tạo những chính sách hỗ trợ kịp thời cho những doanh nghiệp tham gia vào chương trình, thông qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ nói chung”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ và mong rằng đại diện của các doanh nghiệp tham gia sẽ nỗ lực tối đa thực hiện dự án để đạt được kết quả cao nhất.
Trước đó, Bộ Công thương (Cục Công nghiệp) và Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam.
Theo đó, hai bên nghiên cứu xây dựng Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng nhà máy thông minh trong 2 năm 2022 - 2023.
Dự án nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, đồng thời hỗ trợ cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự án hợp tác này là một chương trình đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng tầm nền công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.