LienVietPostBank: Người nhà và tổ chức có liên quan đến Phó Chủ tịch muốn thoái hết vốn
Từ ngày 1/12, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, em trai và bà Tống Thị Kiều Hoa - em dâu ông Nguyễn Đức Thụy - Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã đăng ký bán hết cổ phiếu LPB đang nắm giữ...
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, em trai ông Nguyễn Đức Thụy - Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (mã LPB-HOSE) vừa đăng ký bán hết 1.810.480 cổ phiếu LPB, để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận từ ngày 1/12 đến ngày 15/12 tới.
Cùng thời gian trên, bà Tống Thị Kiều Hoa - em dâu ông Thụy - cũng đăng ký bán hết 28.336 cổ phiếu LPB đang sở hữu theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.
Trước đó, một người em trai khác của ông Thụy là ông Nguyễn Văn Thuyết cũng đăng ký bán hết 330.300 cổ phiếu LPB sở hữu nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian ngày 19/11 tới ngày 18/12, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Thaiholdings (THD) do ông Thuỵ làm Phó Chủ tịch HĐQT cũng thông báo bán hết 22,4 triệu cổ phiếu LPB nhằm cơ cấu danh mục đầu tư.
Như vậy, nếu các giao dịch trên được thực hiện thành công, người thân cũng như Thaiholdings của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy sẽ không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu LPB nào.
Đóng cửa ngày 26/1, giá cổ phiếu LPB giảm 2,3% xuống còn 23.900 đồng. Ước tính thành công với mức giá này, hai người thân của ông Thụy có thể thu về hơn 44 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1,7% xuống 28.400 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị "khả quan" đối với LPB.
VCSC cho biết, giá mục tiêu thấp hơn xuất phát từ việc định giá thấp hơn theo phương pháp P/B mục tiêu do giảm P/B mục tiêu cho LPB từ 1,63 lần xuống 1,42 lần, điều này được bù đắp một phần bởi định giá cao hơn theo phương pháp thu nhập thặng dư, vốn được hỗ trợ bởi tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá của VCSC đến cuối năm 2022 mặc dù giảm 0,9% trong dự báo tổng LNST giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, lợi nhuận sau thuế dự báo năm 2021-2025 giảm là do tổng thu nhập từ lãi (NII) giảm 0,2%, một phần là kết quả của giả định tăng trưởng tín dụng năm 2021 giảm 4 điểm % và tổng mức tăng 5,7% trong chi phí dự phòng từ giả định cao hơn của chúng tôi đối với chi phí dự phòng bổ sung phân bổ trong 3 năm cho các khoản vay được tái cơ cấu theo TT14 từ 2,1 nghìn tỷ đồng lên 2,4 nghìn tỷ đồng. Những khoản mục này được bù đắp một phần nhờ tỷ lệ thu nhập phí thuần (NFI) tăng tổng cộng 3,8%.
Mặt khác, VCSC chuyển giả định huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu (tương đương 5,3% cổ phần sau phát hành) từ năm 2021 sang năm 2022 trong khi vẫn duy trì giả định rằng LPB sẽ sớm tham gia vào một thỏa thuận bancassurance độc quyền mới vào đầu năm 2022 sau khi hợp đồng 5 năm với Dai-ichi Life hết hạn.
Tuy nhiên, trong Báo cáo cập nhật này, VCSC giả định rằng LPB sẽ nhận và ghi nhận một nửa phí ứng trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền mới vào năm 2022 và phần còn lại vào năm 2023 (so với giả định trước đây của chúng tôi về việc ghi nhận toàn bộ phí ứng trước vào năm 2022). Ước tính của chúng tôi cho tổng phí ứng trước là 1,9 nghìn tỷ đồng.