13:12 28/10/2023

Lo thuế tiêu thụ đặc biệt đẩy doanh nghiệp bia vào nguy khó

P.V

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp ngành bia hiện đang vấp phải nhiều tranh cãi về phương pháp tính thuế hỗn hợp…

Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra sửa đổi theo hướng xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) với rượu, bia, thay vì phương pháp tương đối đang áp dụng hiện hành. Với ngành bia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng ít nhất 10% trên giá bán sản phẩm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân và điều tiết tăng thu ngân sách nhà nước.

Hiện Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng dự án luật này. Tuy nhiên, phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự thảo luật sửa đổi không chỉ không đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh minh bạch, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, mà còn tạo ra nguy cơ đẩy các doanh nghiệp bia phân khúc bình dân và phổ thông lâm vào cảnh thua lỗ, phá sản.

XOAY VẦN TRONG KHÓ KHĂN

Những năm qua, ngành đồ uống, nòng cốt là ngành hàng bia, rượu có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công văn việc làm cho xã hội cũng như nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp, cho biết ngành bia, rượu đóng góp lớn ngân sách của nhiều địa phương từ 50.000 - 56.000 tỷ đồng hàng năm. Các nhà máy sản xuất bia với thương hiệu Sài Gòn, Hà Nội quen thuộc được phân bổ hầu hết các tỉnh, thành còn dẹp bỏ được vấn nạn “bia cỏ” và bia lậu tuồn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, bồi thêm các tác động bất lợi từ xung đột Nga - Ukraine và tác động bất lợi do ảnh hưởng của một số chính sách liên quan đến ngành, đáng kể là Luật phòng chống tác hại rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp trong ngành thất thu vì sản lượng, doanh thu sụt giảm đáng kể. Theo thống kê, trong giai đoạn này, sản lượng ngành bia giảm còn 4,3 - 4 tỷ lít, tăng trưởng âm lần lượt là - 5% và - 7%.

Những dư âm để lại từ đại dịch chưa qua, những khó khăn mới lại ập đến do nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, khiến hoạt động trong các ngành thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, dịch vụ vui chơi giảm mạnh, khiến ngành bia, rượu lại nặng mối lo.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đều nhất trí lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép theo từng giai đoạn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp.

Thế nhưng, mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chỉ ra những bất cập lớn của việc xác định thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp và cách tính này không đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp.

Lo thuế tiêu thụ đặc biệt đẩy doanh nghiệp bia vào nguy khó - Ảnh 1

DOANH NGHIỆP CÓ NGUY CƠ THUA LỖ, PHÁ SẢN 

Thị trường bia cơ bản phân thành hai loại. Một, bia phân khúc phổ thông giá thấp, chủ yếu là các loại bia thương hiệu quen thuộc như: bia Hà Nội, bia Sài Gòn và bia địa phương như: bia Vida, bia Hạ Long, bia Hương Sơn, bia Đại Việt… Theo thống kê, khoảng 80% thị phần tiêu thụ hiện là các loại bia phổ thông và bia địa phương do phù hợp với mức thu nhập của người dân.

Hai, bia phân khúc trên phổ thông với mức giá cao, chủ yếu là các loại bia có thương hiệu trên thế giới được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc do các doanh nghiệp FDI sản xuất.

Theo phân tích của VAFI, do mức thuế tuyệt đối được áp dụng như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ, dù giá sản phẩm chênh lệch giữa các hãng nên doanh nghiệp sản xuất bia cao cấp và cận cao cấp, doanh nghiệp đầu ngành thống lĩnh thị trường có thể hưởng lợi từ cơ chế này. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất bia vừa và nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp Việt ít lợi thế cạnh tranh hơn, sẽ gặp khó khăn lớn nếu chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi sang phương pháp hỗn hợp.

 

“Cơ chế mới này còn có thể đẩy các doanh nghiệp có giá bình quân sản phẩm ở mức bình dân và phổ thông, nhất là các công ty bia địa phương, vào chỗ kinh doanh thua lỗ, phá sản do họ phải chịu mức thuế tuyệt đối quá cao so với giá bán. Hơn nữa, việc áp dụng phương án này cũng không đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước”, lãnh đạo VAFI quan ngại.

 

Đại diện VAFI cũng cho rằng phương pháp tính thuế hỗn hợp không phù hợp với Luật Cạnh tranh 2018 và không nên đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, việc áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên theo lộ trình, dựa trên tình hình kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp và cần đảm bảo tính công bằng cho mọi doanh nghiệp.

Góp ý về phương pháp tính thuế, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, cho rằng nên tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tương đối với rượu, bia và nghiên cứu điều chỉnh thuế suất theo lộ trình.

Lý giải cho đề xuất này, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng thuế tương đối có tính chất lũy tiến, sản phẩm có giá bán càng cao, số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp càng lớn. Về khía cạnh điều tiết thị trường, khi tính thuế theo tỷ lệ phần trăm thuế trên giá bán sẽ tạo ra sự công bằng tương đối cho các phân khúc hàng hoá, dịch vụ trên thị trường, vì người mua sẵn sàng trả mức giá nào cũng sẵn sàng trả mức thuế tương ứng. Dù vậy, mặt hạn chế là việc tính thuế căn cứ vào giá bán nên có thể gia tăng chi phí quản lý của nhà nước vì phải kiểm soát giá cả và cũng khó dự đoán nguồn thu ngân sách.

Do mỗi phương pháp tính thuế có những ưu và nhược điểm nhất định, do đó, chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, đề nghị cần cân nhắc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế. Các cơ quan tham mưu sẽ có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí để đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.