11:43 21/11/2022

Loạt địa phương chậm giải ngân vốn giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, có địa phương đạt 0%

Anh Tú

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải tổ chức 4 đoàn trực tiếp làm việc với các địa phương để phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sớm khởi công các gói thầu cuối năm nay...

Nhiều địa phương vẫn chậm giải ngân vốn giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Riêng tỉnh Phú Yên, tỷ lệ giải ngân đạt 0%.
Nhiều địa phương vẫn chậm giải ngân vốn giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Riêng tỉnh Phú Yên, tỷ lệ giải ngân đạt 0%.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã tổ chức 4 đoàn trực tiếp làm việc với các địa phương để phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có có văn bản đề nghị UBND các tỉnh có dự án đi qua, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn năm 2022 đối với các dự án thành phần.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, một số địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện giải ngân tốt như: Bạc Liêu 86 tỷ đồng (94%), Kiên Giang 151 tỷ đồng (79%), Bình Định 505 tỷ đồng (65%), tỉnh Hậu Giang 715 tỷ đồng (63%), Hà Tĩnh 457 tỷ đồng (36%).

 

Tính đến nay, các địa phương cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa, kiểm kê tài sản trên đất; công tác phê duyệt phương án bồi thường thực hiện được 1.702/6.006 ha (đạt 28%). Khối lượng giải ngân đạt 2.303/7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 (đạt 32%).

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 6/7 địa phương chi trả đạt trên 70% diện tích mặt bằng, gồm: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên...

Tuy nhiên, "một số địa phương triển khai còn chậm như: Quảng Trị (8%), Khánh Hòa (17%), Cần Thơ (6%), Cà Mau (12%)", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Đáng lưu ý, riêng tỉnh Phú Yên, tỷ lệ giải ngân đạt 0% do chưa phê duyệt phương án bồi thường vì chưa ban hành giá đất và giá bồi thường cây trồng.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, hiện bộ đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp, hoàn thành thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 12 gói thầu khởi công (331/721,2 km đạt 46%).

Dự kiến, hồ sơ sẽ được chuyển sang Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước ngày 20/11; đồng thời thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu xong trước ngày 20/12 để khởi công các gói thầu vào cuối năm 2022.

Với các gói thầu còn lại, các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán đang được tiếp tục khẩn trương hoàn thiện để đáp ứng tiến độ khởi công vào quý 1/2023.

Liên quan đến vấn đề mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã làm việc, thống nhất với các địa phương về vị trí, diện tích, trữ lượng bảo đảm đủ nhu cầu cho các dự án tại khu vực Trung Bộ.

Tuy nhiên, các địa phương còn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới do thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.

Riêng với 2 dự án thành phần khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau) hiện chưa có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn cát đắp cho các dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Tài nguyên & Môi trường để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục về khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải và sẽ làm việc với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long về nguồn vật liệu cát vào cuối tháng 11 này.

Cùng với đó đẩy nhanh việc nghiên cứu, thử nghiệm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ có vào cuối năm 2023.

 

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, toàn dự án được chia thành 25 gói thầu. Trong đó, 3 dự án thành phần có tổng giá trị các gói thầu từ 12.000 tỷ đồng trở lên được chia thành 3 gói thầu/dự án, gồm Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài 88km; Quy Nhơn-Chí Thạnh gần 62km; Hậu Giang-Cà Mau 73km.

Những dự án thành phần có chiều dài dưới 40km như Bãi Vọt-Hàm Nghi; Cần Thơ-Hậu Giang chỉ có duy nhất một gói thầu, với gói thầu lớn nhất trị giá gần 8.000 tỷ đồng.

7 dự án thành phần còn lại đều được chia thành 2 gói thầu/dự án.