10:01 07/01/2016

Lợi ích đang chi phối tỷ giá USD/VND

Minh Đức

Yếu tố lợi ích đang tác động nổi bật hơn so với tâm lý thường thấy ở diễn biến tỷ giá USD/VND

Cơ chế tỷ giá mới đòi hỏi việc tính toán lợi ích rõ hơn thay vì tâm lý găm giữ và chờ đợi các lần điều chỉnh kiểu "tăng một phát".<br>
Cơ chế tỷ giá mới đòi hỏi việc tính toán lợi ích rõ hơn thay vì tâm lý găm giữ và chờ đợi các lần điều chỉnh kiểu "tăng một phát".<br>
Qua bốn ngày đầu tiên, cơ chế mới đang cho thấy sự hòa hợp rất nhanh, khác với mức độ sóng sánh và mất nhiều thời gian để tìm điểm cân bằng trong các lần điều chỉnh tỷ giá trước đây.

Sau ngày đầu tiên áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm (4/1), các ngân hàng thương mại nâng cao giá USD trên biểu niêm yết. Nhưng, chỉ một ngày sau đó sự hạ nhiệt thể hiện rõ, bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục nâng mức tỷ giá trung tâm.

Thậm chí trong ngày 5/1, trên thị trường liên ngân hàng, giá giao dịch USD điều chỉnh khá mạnh với mức giảm tới 50 VND. Lý do, theo ghi nhận của một số thành viên tham gia thị trường này, nguồn cung từ khách hàng tăng mạnh.

Trong những ngày đầu, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn ra sôi động. Với mục tiêu điều hành, đây là giá trị còn lớn hơn là diễn biến của tỷ giá. Bởi lẽ, là nhà tổ chức và căn chỉnh thị trường, điểm quan trọng nhất luôn là thanh khoản; các dòng chảy sôi động, cung-cầu được kết nối thông thoáng hơn thì sẽ tìm được tiếng nói chung hợp lý hơn.

Đó cũng là một phần lý do để tỷ giá sớm tìm được sự cân bằng, không quá sóng sánh và biến động lớn như những lần điều chỉnh tỷ giá (và cơ chế tỷ giá) trước đây.

Lý do cơ bản nhất, như Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao đổi với VnEconomy trước thềm áp dụng cơ chế mới, cân đối ngoại tệ của nền kinh tế và trên thị trường hiện ở trạng thái tốt, biểu hiện căng thẳng ở mức trần vừa qua chủ yếu là do tâm lý găm giữ mà không bán ra.

Tâm lý là yếu tố và tác động lớn đối với tỷ giá thời gian qua. Những năm gần đây, gắn với cơ chế và cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dường như nó được củng cố hơn từ thói quen.

Đó là, tại thời điểm cuối năm và đầu năm mới (cũng như vào giữa năm), thị trường có tâm lý chờ đợi Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tỷ giá. Thực tế đó là “kỳ vọng hợp lý” và khớp với thực tế những năm qua. Vô hình trung, đó là những thời điểm như một điểm hẹn với thị trường, sau khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng cố định trong một khoảng thời gian.

Rõ ràng, việc găm và kìm ngoại tệ chờ cái hẹn điều chỉnh như trên là có lợi, tâm lý càng… tâm lý. Vì, chỉ trong một thời gian ngắn, việc điều chỉnh mang lại lợi ích tối thiểu là 1%, thậm chí có thể cao hơn nếu đi cùng với nới biên độ như thời gian qua.

Nhưng nay đã khác. Chính sách thay đổi và kéo theo tâm lý thị trường (hoặc một bộ phận) cũng thay đổi. Điều gần như có thể khẳng định với cơ chế mới là: sẽ rất hạn hữu có những lần điều chỉnh “một phát” 1% hoặc mức độ lớn hơn, cũng như không còn mốc hẹn cuối/đầu hoặc giữa năm như trước.

Nói cách khác, cơ chế tỷ giá đã thay đổi từ việc “hẹn” giật một phát sang trườn bò, thay đổi bằng các bước nhỏ hàng ngày. Vậy thì, việc găm giữ ngoại tệ để chờ các cú giật đã khó hơn trước, mà phải theo dõi từng ngày hoặc xác định một mức độ kỳ vọng trong khoảng thời gian găm giữ.

Như ở bài viết trước trên VnEconomy, kỳ vọng đó trước mắt đã được ngầm định. Nó liên quan đến lợi ích, qua đó tác động đến tỷ giá hiện nay hơn là sự chi phối của yếu tố tâm lý.

Cụ thể, khi Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên thực hiện việc bán ngoại tệ kỳ hạn cho các ngân hàng thương mại, với mức giá vào tháng 3/2016 cao hơn cuối năm 2014 là 1%. Theo lãnh đạo vụ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, đó là thông điệp để thị trường tự ngầm hiểu vùng biến động mục tiêu tỷ giá đến cuối tháng 3 tới chỉ là 1%.

Vì lợi ích, căn theo tín hiệu đó, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và cả người dân đều có thể tính toán ứng xử thích hợp. Sự chuyển thể tác động đối với tỷ giá từ tâm lý sang lợi ích cũng rõ ràng hơn.

Nếu xét theo lợi ích, với vùng biến động mục tiêu của tỷ giá vào cuối tháng 3/2016 chỉ 1%, tính toán tương đối cho thấy, giả sử người có tiền muốn mua 10.000 USD và găm giữ chờ tỷ giá tăng, đến cuối tháng 3 tới nếu tỷ giá lên đúng 1% như định hướng ngầm nói trên của Ngân hàng Nhà nước, họ có thể thu lãi 2.454.000 đồng (chưa kể họ phải mua vào với giá bán ra cao hơn, bán lại với giá mua vào thấp hơn của ngân hàng).

Trong khi đó, nếu giữ VND tương ứng 10.000 USD đầu năm nay, gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng (khoảng 5-5,4%/năm), mức lãi thu được cao hơn hẳn với ít nhất 2.790.000 đồng.

Chênh lệch lợi ích đó có lẽ đã nằm trong tính toán của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân nói chung, kích thích chuyển đổi vốn từ ngoại tệ hoặc hạn chế bớt hoạt động đầu tư vào ngoại tệ, tạo điều kiện để tỷ giá khá bình ổn những ngày đầu áp dụng cơ chế (thậm chí giảm cũng không quá bất ngờ).

Về phía các ngân hàng thương mại, khi có Ngân hàng Nhà nước “cam kết” bán ngoại tệ kỳ hạn với mức giá định hướng trên, có thể hủy ngang mà chi phí không đáng kể, thì việc giữ hoặc chuyển đổi sang VND (âm trạng thái ngoại tệ) để kinh doanh, như cho vay lãi suất ngắn hạn cỡ 7-8%/năm cũng đã có lợi ích tốt hơn.

Dĩ nhiên, ở đây còn có tham chiếu là yếu tố niềm tin đối với vùng biến động tỷ giá mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước ngầm định nói trên, cũng như các yếu tố tác động lớn từ bên ngoài (như diễn biến phức tạp của đồng Nhân dân tệ) sẽ được nhà điều hành che chắn nhất định.

Dù trong những ngày đầu này, tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố cũng đã tăng đáng kể với 29 VND, tính đến lần tăng 12 VND ngày hôm nay (7/1).