Lương tối thiểu đã tăng bao nhiêu % trong những năm qua?
Trong giai đoạn 2008 - 2020, tiền lương tối thiểu đã tăng liên tục, bình quân 15,52%/năm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chưa tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021 theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Theo đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 mức lương tối thiểu theo tháng hiện hành tại Nghị định số 90/NĐ-CP. Cùng với đó là chưa ban hành mới về mức lương tối thiểu theo giờ để đồng bộ với phạm vi, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng.
Như vậy, rất có thể năm 2021 sẽ là năm đầu tiên lương tối thiểu vùng sẽ không tăng. Trước đó, tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh liên tục trong giai đoạn 2008 - 2020. Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, tốc độ tăng bình quân của giai đoạn này là 15,52%/năm.
Trong đó, đối với doanh nghiệp trong nước tăng bình quân năm là 18,24% và doanh nghiệp FDI là 12,79%. Mức tăng hằng năm cao hơn 2 lần mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm là 4,31%.
Riêng mức lương tối thiểu vùng năm 2020 bình quân đã bảo đảm cao hơn 1,51% so với mức sống tối thiểu năm 2020 (gồm vượt theo CPI thực tế 2019 là 1,21% và theo dự kiến ban đầu 0,3%). Bên cạnh đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm pháp dưới 4% sẽ góp phần bảo đảm giá trị thực tế của tiền lương tối thiểu hiện hành.
Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, căn cứ để đưa ra khuyến nghị chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm tới là dựa trên thực tế, đại dịch Covid-19 bùng phát trong nước và trên thế giới, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội trong nước và chưa dự báo được mức độ tác động tiêu cực cụ thể cho năm 2021.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho việc phục hồi của nền kinh tế, sản xuất của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động trước tác động của Covid-19.
Chính phủ đã triển khai đồng bộ 3 gói hỗ trợ lớn như: chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng).
Bên cạnh đó là chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng), trong đó có những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người lao động không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sâu, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không lãi suất để trả lương ngừng việc, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính như: giãn nộp bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn; các biện pháp khác như cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân...
Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, chính sách tiền lương tối thiểu cũng phải đặt trong yêu cầu chung về hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ người lao động.
Đồng thời, việc chưa điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2021 cũng phù hợp yêu cầu về tính đồng bộ với cải cách chính sách tiền lương, đó là lùi thời gian thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, chính sách tiền lương tối thiểu cũng là một trong các chính sách kinh tế vĩ mô, tác động lớn tới doanh nghiệp và người lao động.
Do đó, Chính phủ cần có sự khẳng định rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế, sớm công bố lộ trình thực hiện mức lương tối thiểu trong năm 2021 để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp chủ động lên phương án sắp xếp sản xuất, bố trí việc làm cho người lao động.
Trong ngắn hạn, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận định, trong năm 2021 nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (trên 2,5%) thì tiền lương tối thiểu thực tế sẽ bị giảm so mức sống tối thiểu của người lao động.