Lý do đồng đôla Singapore có thể tăng giá mạnh nhất châu Á năm nay
Từ đầu năm đến nay, đồng đôla Singapore chỉ dao động trong khoảng 1,32-1,35 đôla Singapore đổi 1 USD, trong khi nhiều đồng tiền ở châu Á - điển hình là đồng yên Nhật Bản - giảm mạnh so với USD...
Nhiều khả năng đồng đôla Singapore sẽ trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở khu vực châu Á năm thứ ba liên tiếp trong năm nay, khi ngân hàng trung ương của đảo quốc sư tử chủ trương dùng đồng nội tệ mạnh để chống lạm phát - hãng tin Bloomberg cho hay.
Đôla Singapore đang đứng thứ ba trong số các đồng tiền ở khu vực châu Á xét về mức tăng từ đầu năm đến nay, sau đôla Hồng Kông - đồng tiền được neo đậu vào USD, và đồng rupee của Ấn Độ. Tuy nhiên, đôla Singapore đang bám sát hai đồng tiền này về tốc độ tăng do có nhiều đồn đoán rằng áp lực lạm phát dai dẳng sẽ buộc Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - ngân hàng trung ương nước này - duy trì trạng thái chính sách tiền tệ hỗ trợ sự tăng giá của đồng nội tệ. Theo dự kiến, MAS sẽ công bố kế quả rà soát chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Sáu tuần này.
“Chúng tôi dự báo đồng đôla Singapore tiếp tục vượt trội trong nửa sau của năm nay, trên cơ sở cho rằng MAS sẽ không giảm mạnh độ dốc của biên độ tỷ giá chính sách S$NEER” - chiến lược gia vĩ mô Alex Loo của công ty TD Securities nhận định. “Đồng Đôla Singapore sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng của biên độ tỷ giá chính sách. Ngoài ra, đà tăng trưởng của nền kinh tế gia tăng và xu hướng tăng của hoạt động thương mại toàn cầu cũng đẩy cao sức hấp dẫn của đồng tiền này đối với nhà đầu tư”.
MAS sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ chính sách tiền tệ chủ lực. Năm nay, cơ quan này đã để cho đồng đôla Singapore tăng giá so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính của Singapore như một cách để chống lạm phát.
Để làm việc này, MAS tập trung vào điều hành biên độ tỷ giá chính sách - gọi là S$NEER. Đây là chính sách cho phép tỷ giá đồng đôla Singapore dao động trong một biên độ nhất định. Nếu tỷ giá trên thị trường biến động ra khỏi biên độ này, MAS có thể can thiệp bằng cách mua hoặc bán USD để đưa tỷ giá quay trở lại vùng biên độ.
Từ đầu năm đến nay, đồng đôla Singapore chỉ dao động trong khoảng 1,32-1,35 đôla Singapore đổi 1 USD, trong khi nhiều đồng tiền ở châu Á - điển hình là đồng yên Nhật Bản - giảm mạnh so với USD do Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Ngoại trừ giai đoạn biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng đôla Singapore đã duy trì trong vùng biên độ này trong 5 năm qua.
Lạm phát lõi của Singapore có thể đã giảm về mức 3% trong tháng 6 - theo kết quả một cuộc khảo sát của Bloomberg trước khi số liệu chính thức được công bố vào ngày thứ Ba tuần này. Theo dự báo, lạm phát lõi của Singapore sẽ giảm về ngưỡng khoảng 2% vào năm tới nếu không xảy ra cú sốc giá cả nào mới - Giám đốc điều hành MAS Chia Der Jium cho biết vào tuần trước.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Singapore cũng làm gia tăng khả năng MAS để cho đồng đôla Singapore tiếp tục tăng giá.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Singapore đã tăng tốc trong quý 2 năm nay, tăng trưởng 2,9% - một mức tăng mạnh hơn so với dự báo. MAS kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở vùng cận trên của biên độ tăng trưởng dự báo 1-3% cho năm 2024, cho dù căng thẳng dịa chính trị và môi trường lãi suất cao trên toàn cầu tiếp tục đặt ra nhiều thách thức.
Đồng đôla Hồng Kông là đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở châu Á năm nay, nhưng khả năng Fed giảm lãi suất trong mấy tháng tới đang đặt ra rủi ro mất giá không hề nhỏ đối với đồng tiền này. Đồng tăng giá mạnh thứ nhì là đồng rupee Ấn Độ cũng đang xuất hiện những dấu hiệu suy yếu.
“Tăng trưởng GDP của Singapore trong quý 2/2024 là không tồi, nên chúng tôi cho rằng không có lý do cấp bách gì để MAS phải nới lỏng chính sách tiền tệ, xét tới sự dai dẳng của lạm phát. Chúng tôi dự báo đồng đôla Singapore sẽ tiếp tục vững giá so với phần lớn các đồng tiền ở châu Á, trong bối cảnh đồng USD có khuynh hướng tăng giá trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ”, chiến lược gia ngoại hối Moh Siong Sim của ngân hàng Bank of Singapore nhận định.