Lý do khiến lao động trẻ gặp khó khăn khi tìm việc
Thiếu kinh nghiệm, và phải cạnh tranh với những lao động làm việc lâu năm; doanh nghiệp ngày càng yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ, hay thiếu các kỹ năng... là những rào cản khiến lao động trẻ gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường hiện nay...
Thời điểm này, một số lượng lớn học viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học đã tốt nghiệp và bắt đầu tìm kiếm việc làm. Điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động.
TĂNG CẠNH TRANH TRÊN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Nguồn cung dồi dào hơn, khiến người lao động cũng sẽ khó khăn hơn khi bắt đầu tham gia vào thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh, đặc biệt với nhóm lao động trẻ.
Tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy trong tháng 7, người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 25-34 tuổi, số này chiếm 45,8%, nhóm từ 15 – 24 tuổi, chiếm 11,75%.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có nhiều lý do khiến lao động trẻ có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Đơn cử như thiếu kinh nghiệm. Đa số lao động trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành hoặc vị trí mà họ quan tâm. Trong khi các nhà tuyển dụng thường ưa chuộng ứng viên có kinh nghiệm làm việc, và có thể coi lao động trẻ là rủi ro. Tại Hà Nội, có đến 50% số vị trí việc làm trống trong tháng 7 yêu cầu người lao động có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên.
Bên cạnh đó, lao động trẻ cũng chịu cạnh tranh từ người lao động có kinh nghiệm. Trong một thị trường lao động có sự cạnh tranh cao, người lao động trẻ thường phải cạnh tranh với những ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có. Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có 88,25% ứng viên tìm việc nằm trong độ tuổi trừ 25 trở lên.
Khó khăn nữa là các doanh nghiệp yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ. Một số vị trí việc làm yêu cầu các bằng cấp hoặc chứng chỉ cụ thể, và việc này có thể là một rào cản cho lao động trẻ mới ra trường, hoặc không có điều kiện học hành.
Có trên 60% nhu cầu tuyển dụng trong tháng 7 tại Hà Nội yêu cầu người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, đây là một trở ngại đối với các bạn trẻ muốn sớm gia nhập thị trường lao động.
Ngoài ra, một số ngành nghề yêu cầu các kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ có thể chưa có, chẳng hạn như kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo, hoặc kỹ năng quản lý. Đây là những kỹ năng quan trọng cần đúc kết qua quá trình làm việc kéo dài.
Để phù hợp với thị trường lao động Hà Nội hiện nay, chuyên gia khuyến cáo người lao động có thể cần thay đổi và phát triển thêm một số kỹ năng. Chẳng hạn như kỹ năng kỹ thuật và công nghệ.
Bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, vì vậy việc nắm vững kỹ năng kỹ thuật và công nghệ mới là quan trọng. Điều này bao gồm sử dụng các công cụ và phần mềm mới, kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng làm việc nhóm cũng là quan trọng để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc đa dạng và đòi hỏi sự hợp tác.
Mặt khác, đối với một thị trường lao động năng động như Hà Nội, khả năng quản lý thời gian và tự quản lý là quan trọng để có thể hoàn thành công việc đúng hạn và hiệu quả.
Đặc biệt, hiện Tiếng Anh đã trở thành một yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc toàn cầu. Vì vậy, chuyên gia cho rằng có khả năng giao tiếp và hiểu biết tiếng Anh sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong các công ty quốc tế hoặc có hoạt động quốc tế.
Khắc phục những rào cản nêu trên của lao động trẻ, ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội) nêu quan điểm cần có những giải pháp đồng bộ.
Đối với nhà trường, cần tự khẳng định mình, thay đổi để làm sao đào tạo ngày càng chất lượng, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, không tách doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, cần tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, và gắn kết chặt chẽ hơn trong hoạt động này.
CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG VẪN CẦN ĐƯỢC CẢI THIỆN
Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam, cũng cho rằng thiếu kỹ năng hay bằng cấp là một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao.
Theo thống kê từ các tin tuyển dụng của doanh nghiệp và thông tin lao động đi tìm việc trên các website quý 2/2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 50,3% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ đại học trở lên, trong khi chỉ 45,9% người đi tìm việc đạt yêu cầu này.
Tương tự, có 35,7% vị trí yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, song cũng chỉ có 20,2% người tìm việc có trình độ này. Ngược lại, chỉ có 14% vị trí được tuyển yêu cầu trình độ sơ cấp, hoặc không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật, nhưng có đến 33,9% người đi tìm việc không có bằng cấp/chứng chỉ.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thừa nhận thực tế thị trường lao động hiện nay về cung cầu thì cơ bản ổn định, song về chất lượng vẫn còn những vấn đề cần khắc phục. Tại một số địa phương như Bắc Giang, TP. Hải Phòng vừa qua thu hút đầu tư lớn, từ đó xảy ra nguồn cung lao động mất cân đối do cung ứng không kịp, đặc biệt là thiếu lao động qua đào tạo.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý 3/2024, cả nước có khoảng 51,57 triệu người lao động có việc làm, tăng 127 nghìn người so với quý 2. Một số nhóm ngành dự kiến sẽ tăng thêm việc làm như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, tăng 3,3 %; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 3,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, tăng 3,1%.
Tuy nhiên, dự báo cũng có một số ngành sẽ giảm việc làm là sản xuất thiết bị điện; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Để khắc phục những bất cập của thị trường lao động, trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Cùng với đó, tăng kết nối cung – cầu lao động, chú trọng tạo việc làm mới cho người lao động.