07:20 15/09/2021

Ma trận app khai báo thông tin và nỗi lo "Thẻ xanh vaccine"

Phạm Vinh

Người dùng rơi vào ma trận phải khai báo quá nhiều app, mỗi nơi mỗi kiểu và càng lo lắng hơn khi chứng nhận tiêm ngừa 2 mũi “Thẻ xanh” chưa được cập nhật để kịp đi làm sắp tới…

Nhiều người lo lắng cài rất nhiều ứng dụng khai báo và chờ cập nhật “Thẻ xanh” để đi làm, ra đường.
Nhiều người lo lắng cài rất nhiều ứng dụng khai báo và chờ cập nhật “Thẻ xanh” để đi làm, ra đường.

RẤT NHIỀU APP NHƯNG KHÔNG LIÊN KẾT, KHÓ TRUY VẾT

Đơn cử các ứng dụng (app) như Bluezone, NCOVI, Help 114, Y tế HCM, Sổ sức khỏe điện tử, An Sinh, VNEID, Vietnam Health Declaration, Covid-19,… từ app khai báo y tế, khai báo đi đường, cấp cứu, hỗ trợ từ thiện, oxy và thuốc men lên tới hơn 20 ứng dụng. 

 
Với những F0 khỏi bệnh chưa có chứng nhận hoặc thiếu thông tin tiêm chủng tính đến 11/9, họ đối mặt với nỗi lo không kịp có "Thẻ xanh" khi TP.HCM mở cửa trở lại.

Ngoài ra, ở từng ngành, từng tỉnh lại có ứng dụng riêng như Đà Nẵng, Quảng Nam thì khai báo y tế, kiểm soát ra/vào qua website tích hợp trên cổng thông tin chính quyền; Vĩnh Phúc, Hà Nam lại dùng Zalo để trả mã QR code cho dân sau khi khai báo y tế. Thậm chí ở Lâm Đồng, một số chợ ở Đà Lạt quản lý khai báo y tế của dân bằng cách “ghi sổ”…

Anh Dương Nghĩa, ở quận 4 TP.HCM, chia sẻ: sau khi hoàn thành mũi 2 vaccine đã “lên app” Sổ sức khoẻ điện tử khai báo: 1 lần ở công ty khu chế xuất (22/6) và 1 lần ở y tế cộng đồng quận 7 (9/8) nhưng đến nay dù đã cập nhật, phản hồi nhiều lần nhưng app vẫn chỉ công nhận là “Thẻ vàng”, thông báo anh vẫn chỉ hoàn thành mũi 1. Sốt ruột với “hộ chiếu vaccine”, anh Nghĩa lo lắng vì công ty đang yêu cầu anh cập nhật “Thẻ xanh” vào app và xét nghiệm lại mới cho đi làm trở lại.

Không chỉ riêng anh Nghĩa mà rất nhiều người dùng đa phần rơi vào tình trạng: chỉ công nhận mũi đầu, chưa công nhận kết quả mũi 2 hoặc công nhận kết quả mũi 2 nhưng mũi đầu chưa công nhận. Cá biệt như chị Lan, Quận 3 TP.HCM lại bị mất sạch thông tin. Chị Lan cũng đã xoá app đi cài lại tuy nhiên không vào được ứng dụng. Chị Lan lên website, nhờ người thân khai lại, báo cáo app và cung cấp thông tin, hình ảnh nhưng vẫn không cập nhật chứng nhận tiêm ngừa vaccine được.

Anh Toàn Ngô chia sẻ trên facebook: Chiếc “Sổ Kỳ lạ” Sổ Sức khỏe điện tử lưu thông tin tiêm vaccine có điểm kỳ lạ là truy vết theo số điện thoại chứ không phải số định danh ID trên chứng minh nhân dân hay căn cước công dân. Hơn nữa, số điện thoại thì thay đổi, và nhiều người lớn tuổi hay trẻ em là không có. Một điểm lạ khác, QR Code không cố định. Mã QR động nhằm tránh copy, do vậy không có nhiều tác dụng.

“Điểm rõ nhất là rất nhiều App nhưng thực tế người dân không thấy vai trò của công nghệ thông tin khi đụng đến các vấn đề nổi cộm, thiết yếu như: tiêm vaccine, giấy phép đi đường, mua lương thực, trợ cấp người nghèo khó… tất cả có khi đều phải nhờ bác Tổ trưởng đi điền phiếu đến từng hộ dân. Thậm chí, app của Bộ Công an cũng chưa liên kết tới cơ sở dữ liệu quốc gia".

Cũng chính vì dùng quá nhiều app, không liên kết và không dùng chung dữ liệu, mỗi nơi mỗi kiểu nên gây nhiều phiền toái cho người dân cài nhiều app, khai báo nhiều lần và không được cập nhật trên cùng một hệ thống để tiện việc truy vết, theo dõi lịch trình.

AI CÓ THỂ LÀM TỐT ỨNG DỤNG CHỐNG COVID?

Có lẽ, giờ là lúc cần một nhạc trưởng để kết nối, để tích hợp, để liên thông tất cả những cái app này lại kết nối với dữ liệu dân cư. Bởi quá nhiều app, mỗi nơi chấp nhận một cái, một chỗ đòi một kiểu thì càng nhiều app, càng lắm rào cản, càng thêm hỗn loạn, càng khiến dân thêm phiền hà. 

 
"Một người có "Thẻ xanh vaccine", không thể đòi hỏi người đó phải xin cấp thêm một giấy đi đường bằng QR Code".
TS.Lương Hoài Nam.

Ai có thể làm tốt ứng dụng công nghệ chống Covid? TS.Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng: Bộ Công an quản lý dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu không thể thiếu cho ứng dụng công nghệ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, thông tin cá nhân liên quan đến tình trạng sức khoẻ là thông tin bí mật đời tư nhạy cảm, đòi hỏi mức độ bảo mật cao nhất để tránh bị phát tán, sử dụng vào các mục đích trái pháp luật. Do đó, Bộ Công an là thích hợp tốt để làm và thực thi, quản lý app công nghệ chống dịch tốt nhất.

“Tôi tiếc là app VNEID của Bộ Công an lại bắt đầu từ tính năng cấp giấy đi đường - một biện pháp quản lý gây rất nhiều tranh cãi và cá nhân tôi cho là sẽ không bền vững với cách tiếp cận "sống chung với virus" mà nước ta bắt đầu đi theo. Với một người có "Thẻ xanh vaccine", không thể đòi hỏi người đó phải xin cấp thêm một giấy đi đường bằng QR Code".

Nên, theo ông Nam, Bộ Công an hợp tác với các các đơn vị công nghệ có uy tín với các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước để mở rộng nền tảng VNEID cho các tính năng như: Truy vết (thay Bluezone); Xét nghiệm; Quản lý cách ly & tự cách ly; Quản lý, hỗ trợ F0 tại nhà; Gọi xe cấp cứu, oxy, túi thuốc; Tiêm vaccine (thay Sổ sức khỏe điện tử); Hộ chiếu vaccine (thay Sổ sức khỏe điện tử); Triển khai các trạng thái phòng chống dịch; Hỗ trợ an sinh…

“Các tính năng trên không cần phát triển ngay một lúc, mà mở rộng từng bước, với một thứ tự ưu tiên hợp lý do Ban chỉ đạo quốc gia quyết định. Khi đó, chúng ra sẽ chỉ cần một app VNEID, giống như người Singapore chỉ cần một app TraceToghether. Các app khác xoá đi cho sạch điện thoại, đỡ tốn pin", ông Lương Hoài Nam nói.

CÔNG NGHỆ KIỂM SOÁT DỊCH COVID-19 Ở CHÂU Á

Hầu hết các nước châu Á đều phát triển các ứng dụng/thiết bị công nghệ quét mã QR, phục vụ truy vết, cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tại Singapore, ngay từ đầu, nước này đã triển khai hữu hiệu 3 giải pháp công nghệ: Ứng dụng truy vết TraceTogether, thiết bị Bluetooth có thể đeo được (TraceTogether token), hệ thống check-in SafeEntry. 

Ứng dụng TraceTogether được khai báo bắt buộc để truy vết tự động tại điểm quét SafeEntry khi ra/vào trung tâm thương mại.
Ứng dụng TraceTogether được khai báo bắt buộc để truy vết tự động tại điểm quét SafeEntry khi ra/vào trung tâm thương mại.

TraceTogether token là thiết bị được dành cho những người không có hoặc không muốn dùng điện thoại di động (trẻ em, người lớn tuổi…). TraceTogether token nhỏ gọn, dễ sử dụng, có pin từ 4-6 tháng, luôn nháy đèn xanh 1 phút/lần báo hiệu hoạt động bình thường. Thiết bị Token được cấp miễn phí tại các trung tâm cộng đồng hoặc các trung tâm thương mại được chỉ định.

Thiết bị SafeEntry được đặt tại các địa điểm có nguy cơ cao hoặc khó đảm bảo khoảng cách an toàn như công sở, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Theo đó, người dân Singapore chỉ cần sử dụng app TraceTogether/token để quét mã QR của SafeEntry tại từng địa điểm; hoặc chạm điện thoại/token vào thiết bị SafeEntry để check-in.

Anh Nguyễn Tri Anh, hiện đang sống tại Singapore chia sẻ: Chính phủ quản lý, kiểm soát và bảo vệ dữ liệu liên quan tới các ứng dụng trên rất nghiêm ngặt nhưng vẫn đảm bảo cho người dân đi lại mua thực phẩm, đi học, bệnh viện và có thể tụ tập theo nhóm không quá 5 người và mỗi người chỉ được phép gặp gỡ 2 lần/ngày… Tất cả đều được theo dõi qua app TraceTogether đăng ký theo cá nhân Đi siêu thị hay bệnh viện phải dùng TraceTogether khai báo lúc vào/ra đầy đủ.

Singapore có hẳn đội ngũ nhân sự chuyên phụ trách giám sát và nhắc nhở người dân giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và tụ tập nhóm, đó là công việc có hưởng lương với tên gọi social distancing ambassador mặc áo đỏ chuyên chụp ảnh, quay phim và báo cáo những người vi phạm Luật phòng chống Covid của Chính phủ.

Hình thức phạt rất đa dạng, từ vài trăm SGD lên đến vài chục ngàn SGD, vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tù vài tuần hoặc nếu người nước ngoài vi phạm có thể bị trục xuất vĩnh viễn không được nhập cảnh vào Singapore. Trong trường hợp có viên chức công khai, cố ý tiết lộ dữ liệu, sử dụng dữ liệu sai mục đích có thể phải chịu phạt lên đến 5.000 SGD (hơn 84 triệu đồng), phạt tù đến hai năm, hoặc cả hai.

Tại Trung Quốc, qua 2 nền tảng Wechat và Alipay, hầu hết người trưởng thành đã cài mã quét QR y tế trên điện thoại. Ứng dụng của Trung Quốc còn có thể tính mức độ lây nhiễm virus và cấp mã QR theo màu cho mỗi cá nhân.

Nếu được cấp màu xanh tức là người dùng không bị lây nhiễm virus và được phép đi lại thoải mái. Màu vàng được cấp cho người có nguy cơ lây nhiễm, phải cách ly 1 tuần và đỏ dành cho người phải cách ly 2 tuần. Đặc biệt, Trung Quốc áp dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, liên kết và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành.