Mang 2,4 tỷ USD gửi ngân hàng, "đại gia" VNPT thu về 3.700 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2023
Số tiền gần 2,4 tỷ USD gửi ngân hàng này mang về gần 3.740 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023 cho VNPT, tăng hơn 41% so với năm 2022. Tính trung bình, mỗi ngày VNPT nhận về 10,2 tỷ tiền lãi...
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Ernst & Young, báo cáo cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp với nhiều con số đáng quan tâm.
Theo đó, năm 2023, VNPT ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 51.156 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,4% so với năm 2022 và doanh thu thuần của công ty mẹ đạt 34.487 tỷ đồng, giảm 4,8% so với năm 2022.
Doanh thu giảm nhưng các khoản giảm trừ doanh thu tăng, cùng với giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của VNPT giảm còn 12.574 tỷ đồng tương đương giảm 14%. Lợi nhuận gộp công ty mẹ giảm mạnh 64% so với cùng kỳ, còn 1.867 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính hợp nhất của VNPT tăng hơn 38% lên 3.868 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập khác thu nhập từ thanh lý tài sản, công cụ, dụng cụ - chủ yếu là thanh lý cáp đồng đã giảm 725 tỷ đồng so với năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí, thuế... VNPT báo lãi hợp nhất 3.545 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 5.425 tỷ đồng của năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty mẹ giảm 44% so với năm 2022, lần lượt đạt 2.931 tỷ đồng và 2.347 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của VNPT đạt gần 104.943 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,8% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 5.457 tỷ đồng xuống còn 2.660 tỷ đồng.
Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 61.000 tỷ đồng, tương đương 58% tổng tài sản. Số tiền gần 2,4 tỷ USD gửi ngân hàng này mang về gần 3.740 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023 cho VNPT, tăng hơn 41% so với năm 2022. Tính trung bình, mỗi ngày VNPT nhận về 10,2 tỷ tiền lãi ngân hàng.
Trong cơ cấu tài sản của VNPT, ngoài hơn một nửa là tiền mặt công ty cũng đang đầu tư cổ phiếu dài hạn hơn 826 tỷ đồng. Trong đó, khoản lớn nhất là đầu tư vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) với 120,9 triệu cổ phiếu giá trị gốc 579 tỷ đồng. Giá trị hợp lý ở thời điểm hiện tại là 1.572 tỷ đồng, như vậy VNPT có lãi gấp 3 lần với khoản đầu tư này.
Thực tế, VNPT là cổ đông sáng lập và cũng là cổ đông lớn nhất của MSB. Theo báo cáo tài chính kiểm toán được công bố năm 2021, tại thời điểm 1/1/2021, VNPT sở hữu hơn 71,57 triệu cổ phiếu MSB với giá gốc gần 580 tỷ đồng, tức giá mua vào trung bình là 8.103 đồng/cổ phiếu.
Trong hai năm 2021 và 2022, MSB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu MSB do VNPT nắm giữ cũng tăng lên thành hơn 120,9 triệu cổ phiếu, tương đương 6,05% vốn điều lệ của MSB.
Đến cuối năm 2023, nợ phải trả của VNPT là 32.763 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.835 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022.
Năm 2024, VNPT đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng, trong đó, doanh thu công ty mẹ là 41.973 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 3.534 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư của công ty mẹ tối đa không quá 9.650 tỷ đồng.
Tập đoàn định hướng phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông với năng lực lớn, đưa VNPT thành doanh nghiệp có thị phần công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu Việt Nam, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, triển khai 5G, phát triển thị trường số...
Về lương thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp, kể từ năm 2021, VNPT không công bố chế độ lương của ban lãnh đạo. Trước đó năm 2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước tính quỹ tiền lương, thưởng cho người quản lý doanh nghiệp thực hiện năm 2020 khoảng 15 tỷ đồng, trong đó, tiền lương là hơn 12,8 tỷ đồng, tiền thưởng 2,14 tỷ đồng.
VNPT cho biết bình quân mỗi lãnh đạo quản lý, gồm thành viên HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên có thu nhập bình quân 117,6 triệu đồng một tháng, tăng 16,6% so với kế hoạch. So với năm 2019 và 2018, con số này tăng hơn 34%. Kế hoạch năm 2021, thu nhập mỗi lãnh đạo 100,85 triệu đồng/tháng.