22:51 22/12/2022

Chưa cổ phần hóa VNPT để thực hiện sứ mệnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số quốc gia

Nhĩ Anh

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã nhấn mạnh về sứ mệnh mới, cách làm mới, không gian mới và thị trường mới với Tập đoàn VNPT tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 22/12...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Chính phủ đã quyết định trong giai đoạn hiện nay chưa tiến hành cổ phần hóa VNPT để thực hiện sứ mệnh mới. Mặc dù trước đây, Tập đoàn nằm trong danh sách các đơn vị phải thực hiện cổ phần hóa.

Theo Thứ trưởng, là doanh nghiệp nhà nước, VNPT có sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Với lĩnh vực viễn thông, đó chính là phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số. Chuyển đổi số là phương thức mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy, Tập đoàn phải tư duy, định vị lại sứ mệnh của mình trong bối cảnh hiện nay, để có kế hoạch phát triển, đầu tư dài hạn, để viễn thông trở thành trục xương sống cốt lõi trong thực hiện chiến lược.

Cũng theo Thứ trưởng, VNPT phải đổi mới, có cách làm mới, tiếp tục đẩy mạnh chuyển toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp lên môi trường số. Cùng với việc chuyển đổi số cho đất nước, cho các doanh nghiệp khác, Tập đoàn phải đẩy mạnh chuyển đổi số cho chính mình.

Mặc dù thời gian qua doanh nghiệp đã phát triển các dịch vụ số, đưa ứng dụng số vào mọi ngành nghề lĩnh vực nhưng đã đến lúc cần tập trung đẩy mạnh phát triển trên nền tảng. Nếu phát triển theo ứng dụng, dịch vụ, doanh nghiệp không đủ nguồn lực để xử lý các yêu cầu riêng lẻ của khách hàng.

 
Cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề hạ tầng số internet và hạ tầng nền tảng cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện đại hơn, thông minh hơn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Long cho rằng, những ngày đầu bước chân vào thị trường, doanh nghiệp cần phải phát triển các ứng dụng để chiếm lĩnh thị trường, nhận diện thương hiệu nhưng hiện nay cần phải chuyển thành phát triển nền tảng, và dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Nếu làm một mình, quy mô doanh nghiệp khó có thể lớn hơn, phát triển rộng. Bên cạnh đó phải đơn giản hóa các ứng dụng để khách hàng sử dụng thuận tiện, dễ dàng, ông nói.

Về không gian mới, công nghệ số là công nghệ của dữ liệu. Theo Thứ trưởng, hiện nay, doanh nghiệp đang làm tốt ứng dụng công nghệ thông tin nhưng nhu cầu xã hội đã phát triển lên tầm cao mới đó là dữ liệu số. Mặc dù doanh nghiệp đã đưa ra một số chiến lược về trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng muốn làm được phải có dữ liệu, phải đầu tư dài hạn.

Là doanh nghiệp hạ tầng, Thứ trưởng đề nghị VNPT quan tâm đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng số mới như hạ tầng dữ liệu, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, hạ tầng nền tảng như AI, Blockchain… Hạ tầng viễn thông truyền thống đã đến giai đoạn bão hòa nên cần phải tìm kiếm, đầu tư phát triển các không gian mới.

Về mạng 5G, Thứ trưởng cho biết, 5G là công cụ, phương tiện cho chuyển đổi số và ứng dụng cho các phương thức phát triển mới. Quan điểm của Bộ là Việt Nam sẽ triển khai phát triển một mạng 5G độc lập, dự kiến vào cuối năm 2023.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Tập đoàn mạnh dạn đầu tư vươn ra thị trường quốc tế, thị trường mới. Trước đây, việc viễn thông vươn ra thị trường quốc tế có nhiều rủi ro khi phải đầu tư chi phí lớn cho hạ tầng. Tuy nhiên hiện nay, nếu đi ra thị trường thế giới bằng công nghệ số, bằng trí tuệ con người thì sẽ không có rủi ro. Ngành công  nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài sẽ đem lại những nguồn thu hiệu quả và lâu dài cho đất nước, ông Long nói.

Thứ trưởng cũng lưu ý vấn đề phát triển hạ tầng, kiên quyết khắc phục xử lý triệt để vấn đề sim rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo...

Thị trường viễn thông với các dịch vụ truyền thống đã bão hòa với mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chỉ đạt tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2022 trong khi những thị trường mới tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại. Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT chia sẻ, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của sự bất ổn khó lường về kinh tế, lạm phát và căng thẳng chính trị trên thế giới. Thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp ICT đã và đang trải qua sự tăng trưởng nhanh doanh thu về data và dịch vụ số, trong khi doanh thu dịch vụ truyền thống giảm dần. Thị trường dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia cạnh tranh.

 

Năm 2022, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận 6.629 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 5.228 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 9,35%.

Doanh thu dịch vụ băng rộng duy trì mức tăng trưởng 6% trong năm 2022, giữ vững thị phần vị trí số 1. Dịch vụ truyền hình trả tiền có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20%, duy trì liên tục trong 3 năm và chiếm vị trí số 1 về thị phần. Doanh thu một số nhóm Dịch vụ số doanh nghiệp có mức tăng khả quan, trong đó đặc biệt tăng mạnh tại các nhóm dịch vụ như: Hạ tầng số (tăng 57%), Giáo dục số (tăng 74%), Quản trị doanh nghiệp (tăng 68%)…