VNPT lại tái cơ cấu
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có cuộc họp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về đề án cơ cấu lại tập đoàn này…
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), cho biết vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi Hội đồng thành viên VNPT chỉ đạo tập đoàn hoàn thiện đề án cơ cấu lại. Sau đó, Vụ Công nghệ và Hạ tầng đã nhận được văn bản của Hội đồng thành viên VNPT về báo cáo công tác hoàn thiện đề án.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng, những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của Ủy ban mà VNPT cần lưu ý liên quan tới thời gian thực hiện thoái vốn và các số liệu về tài chính nêu trong đề án. Với những đề xuất, kiến nghị của VNPT, Vụ Công nghệ và Hạ tầng đã có những hướng dẫn liên quan tới công tác thoái vốn tại đơn vị thành viên; trình tự thủ tục sáp nhập một số đơn vị thành viên vào công ty mẹ...
Kết quả ấn tượng giai đoạn 2014-2019 cũng được xem là thử thách của VNPT cũng như đại diện phần vốn nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho kế hoạch tái cơ cấu lần này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá cao những nỗ lực của VNPT trong công tác xây dựng và hoàn thiện đề án cơ cấu lại tập đoàn trong thời gian qua, và cho rằng với những nội dung đầy đủ, được xây dựng công phu, đề án cơ cấu lại VNPT cơ bản phù hợp với những chiến lược phát triển của tập đoàn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhận định, công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cần được nhìn nhận từ điểm xuất phát là tính cấp thiết của hoàn cảnh khách quan và từ chính nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. VNPT đang có những chuyển dịch ngành nghề kinh doanh cốt lõi từ dịch vụ viễn thông sang lĩnh vực công nghệ thông tin, tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan, địa phương trên khắp cả nước.
Muốn chuyển dịch ngành nghề kinh doanh cốt lỗi hiệu quả và thành công thì bộ máy tổ chức của VNPT phải có sự cơ cấu lại phù hợp; từ đó, bộ máy tổ chức mới của tập đoàn mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho những chiến lược phát triển mới của VNPT trong giai đoạn tới, theo ông Cảnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, để có thể vững bước tiến lên trong giai đoạn mới, việc xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn là một điều tất yếu, đi kèm với đó là việc rà soát và xây dựng đề án cơ cấu lại VNPT để phù hợp, đồng bộ tương ứng.
Ngoài ra, ông Cảnh cũng giao Vụ Công nghệ và Hạ tầng làm đầu mối, phối hợp các đơn vị và VNPT hoàn thiện dự thảo đề án trong tháng 3 để trình lên Thủ tướng.
Có thể xem đề án trên chính là công cuộc tái cơ cấu lần 2 sau giai đoạn tái cơ cấu thành công với nhiều dấu ấn của Tập đoàn VNPT sau giai đoạn VNPT cũng như nhiều doanh nghiệp khác chuyển đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNPT.
Năm 2014, VNPT bắt đầu tiến hành tái cơ cấu theo các Quyết định số 888/QĐ-TTg và Quyết định số 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành quả lớn nhất của công cuộc tái cơ cấu này là 5 năm liên tiếp (2014-2019), Tập đoàn VNPT liên tục duy trì được tốc độ tăng lợi nhuận ấn tượng bình quân trên 20%/năm, đảm bảo thu nhập cho người lao động với mức tăng bình quân khoảng 15%/năm.
Kết quả ấn tượng trên (giai đoạn 2014-2019) có thể xem là thử thách và "hàn thử biểu" của VNPT cũng như đại diện phần vốn nhà nước là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho kế hoạch tái cơ cấu lần này.