08:40 18/02/2023

Mặt bằng bán lẻ phục hồi sau đại dịch

Thanh Xuân

CBRE vừa tổ chức buổi báo cáo triển vọng thị trường bất động sản năm 2023 với chủ đề “Trở ngại trên con đường phục hồi” vào ngày 17/2/2023 tại Hà Nội. Theo đơn vị này thì năm 2022, phân khúc mặt bằng bán lẻ Hà Nội đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin từ CBRE cho biết, quý 4/2022, thị trường Hà Nội đã chào đón nguồn cung mới từ dự án The Zei Plaza ở khu vực phía Tây. Như vậy, tổng diện tích sàn bán lẻ tính đến cuối năm 2022 được tăng lên mức 1.070.239 m2.

Cũng theo CBRE, kết thúc năm 2022, giá chào thuê mặt bằng tầng một (không bao gồm phí dịch vụ và thuế giá trị gia tăng) của khu vực trung tâm đạt 144 USD/m2/tháng, tăng 36,4% theo năm. Đây là mức cao nhất ghi nhận trước giờ ở khu vực này. Tỷ lệ trống cũng chỉ còn 4,8%, giảm 5,4 điểm phần trăm theo quý, 1,4 điểm phần trăm theo năm. Bên cạnh đó thì khu vực ngoài trung tâm, giá chào thuê trung bình tầng một khoảng 27 USD/m2/tháng, tăng 12,4% so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trống giảm lần lượt 8,1 điểm phần trăm theo quý,  và 3,2 điểm phần trăm theo năm.

CBRE lý giải, năm vừa qua khu vực trung tâm ghi nhận sự tích cực rất rõ rệt bởi các nhà bán lẻ hiện hữu. Điển hình như sự xuất hiện kèm diện mạo mới của Trung tâm thương mại Vincom Center Bà Triệu-Tháp 2, qua đó kéo theo chuỗi khai trương nhiều nhãn hàng mới gồm: Uniqlo, ADLV, Nine West... Tương tự, ở khu vực ngoài trung tâm, hoạt động mở rộng nổi bật trong quý 4/2022 là việc khai trương liên tiếp 2 cửa hàng Uniqlo thuộc trung tâm thương mại Vincom Center Trần Duy Hưng, và Vincom Mega Mall Royal City.

Không những thế, thời gian này, thị trường bán lẻ Hà Nội còn chào đón sự gia nhập mới từ nhiều thương hiệu bán lẻ khác. “Điều đó cho thấy sự quan tâm không ngừng mà các nhà bán lẻ nước ngoài dành cho thị trường Hà Nội nói riêng, và Việt Nam nói chung, nhất là mặt bằng bán lẻ đắc địa trên tuyến phố lớn vẫn luôn được ưu tiên săn đón”, chuyên gia CBRE đánh giá.

Về vấn đề trên, Colliers Việt Nam nhìn nhận, chính hoạt động du lịch sôi nổi trở lại là một trong số nguyên nhân tác động đến hoạt động bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam. Quan trọng hơn, kinh tế đất nước cũng có sự tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát lại càng giúp cho phân khúc bất động sản bán lẻ, văn phòng cho thuê phục… hồi nhanh chóng. “Theo số liệu từ Tổng cục thống kê năm 2022, GDP đạt 8,02%, cao nhất cả giai đoạn 2011 – 2022; lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%; vốn FDI đạt gần 22,4 tỷ USD, là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất 5 năm qua.... đã mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề phát triển, phục hồi”, đại diệnColliers dẫn chứng.

Nhìn về tương lai, CBRE đưa ra đánh giá, năm 2023 cùng những năm tiếp theo, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam, kéo theo nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh, làm văn phòng… gia tăng. Trong đó, Hà Nội tiếp tục dành được nhiều sự chú ý từ nhiều thương hiệu cao cấp.

Dự kiến giai đoạn 2023-2024, thành phố sẽ đón nhận thêm hơn 300.000 m2  đi vào hoạt động mà phần lớn các dự án tập trung tại khu vực ngoài trung tâm. Về giá thuê kỳ vọng tăng song tốc độ chậm hơn, vì những lo ngoại do sức ép lạm phát, có thể ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, cũng như giá chào thuê mặt bằng bán lẻ. Đặc biệt, với tình trạng khan hiếm nguồn cung bán lẻ diễn ra ở khu vực trung tâm, dự báo một xu hướng mới được hình thành. Theo đó, các nhà bán lẻ xác định tăng cường tìm vị trí ngoài trung tâm để mở các cửa hàng pop-up, trong khi vẫn duy trì tìm kiếm mặt bằng đắc địa khu trung tâm.