14:20 17/02/2023

Doanh nghiệp bất động sản mong được hỗ trợ về cơ chế

Phan Dương

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nhất hiện nay của doanh nghiệp là được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế. Bởi khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Có thể nói năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất khi có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021 và năm 2023 là năm có tính “quyết định sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản” nên đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được người mua; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50-70% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không “lo” được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Qúy Mão vừa qua...

NHU CẦU NHÀ Ở TRONG TƯƠNG LAI SẼ CÒN BÙNG NỔ

Nói về những khó khăn của thị trường, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes nhìn nhận thị trường bất động sản hiện nay đang có những vướng mắc nổi cộm như: thủ tục pháp lý phê duyệt các dự án còn chậm; dòng vốn tín dụng hạn chế; nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha; trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phát hành được….

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes - Ảnh VGP
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes - Ảnh VGP

Trong khi đó, thị trường bất động sản là lĩnh vực có liên quan mật thiết tới rất nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và các chuỗi cung ứng phụ trợ khác, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới cuộc sống của hàng triệu lao động, cũng như mang lại nguồn thu cho rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Việc phát triển bất động sản không chỉ tạo ra nơi ăn chốn nghỉ mà còn kiến tạo nên các khu đô thị mới, hiện đại và đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân; mang lại diện mạo văn minh cho đất nước và góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, không thể phủ nhận thực tế là nhu cầu sở hữu nhà của người dân hiện tại đang rất lớn, tương lai sẽ còn tiếp tục bùng nổ hơn nữa. Tuy lực cầu rất cao như vậy nhưng nguồn cung lại quá thấp, hoàn toàn chưa đáp ứng được thị trường. Hiện diện tích sàn bình quân trên đầu người tại Việt Nam mới chỉ đạt rất thấp, còn cách xa so với nhu cầu người dân cũng như mức bình quân của thế giới.

Trong khi cầu đang vượt quá cung thì khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp lại có hạn. Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu sẽ càng thiếu hơn.

Vì thế, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay giúp sức nhằm sớm phục hồi thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, cho Nhà nước cũng như các doanh nghiệp.

Chúng tôi rất hy vọng và tin tưởng, với sự quan tâm sát sao của Chính phủ và các bộ ban ngành, trong thời gian tới, thị trường sẽ phục hồi và tiếp tục phát triển.

CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG NIỀM TIN CHO THỊ TRƯỜNG

Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland - Ảnh VGP
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland - Ảnh VGP

Novaland mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.

Hiện tại, Novaland đang còn 25 ngàn tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháo lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.

Lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Riêng đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm, nay doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao thì các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Với các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu, ông Bùi Thành Nhơn nói. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Ông Nhơn cũng đề xuất các cơ quan truyền thông của Chính phủ có chiến lược hỗ trợ xây dựng lại niềm tin cho thị trường theo xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp" người thật việc thật" đang tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững. “Việc vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ giúp tháo gỡ tận gốc pháp lý cho các dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo thông thoáng môi trường đầu tư thu hút nguồn vốn FDI, giúp phát triển đô thị, tăng nguồn thu ngân sách”, ông Nhơn nhận định.

TÂM LÝ NHÀ ĐẦU TƯ ĐANG PHÂN VÂN, CHỜ ĐỢI

Từ thực tế triển khai dự án, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest chia sẻ: Hiện GP.Invest đang mở rộng hoạt động sang các địa bàn ngoài Hà Nội. Cụ thể chúng tôi đang triển khai dự án Palm Manor ở Việt Trì – Phú Thọ giai đoạn 1 là 28ha với tổng mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ. Dự án được phê duyệt quy hoạch năm 2012 và phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2013 với quy mô cả hai giai đoạn là 58,5ha. Ở thời điểm đó, dự án được Bộ Tài Nguyên Môi Trường chấp thuận cho thực hiện công tác giải phóng mặt theo hình thức Nhà nước thu hồi đất bàn giao cho Chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest - Ảnh VGP
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest - Ảnh VGP

Giá đền bù từ năm 2013 đến giờ không thay đổi nhưng trong khi quá trình đền bù kéo dài từ 2013 đến nay dẫn đến tình trạng phức tạp so kè giữa người nhận trước và nhận sau, nếu đền bù theo mặt bằng giá mới thì người nhận trước lại đòi bổ sung còn nếu tự thoả thuận lại vi phạm quy định về dự án Nhà nước thu hồi. Dù chính quyền địa phương ủng hộ tích cực nhưng khi đưa ra giá đền bù theo quy định thì lại vấp phải sự không đồng thuận của người dân nên đến nay, vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm được công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.

Đề cập đến vấn đề pháp lý, ông Hiệp nhận định, do bất động sản liên quan và chịu tác động của nhiều Luật (Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…). Vì vậy trong bối cảnh chờ đợi Quốc hội phê duyệt một loạt luật vào cuối 2023 nên tâm lý các nhà đầu tư đều phân vân, chờ đợi, không biết nên tiến hay thoái? Trong khi các cơ quan quản lý cũng đều e ngại, sợ trách nhiệm không dám xử lý, giải quyết những vấn đề chưa thống nhất giữa các luật nên nhiều khi dự án bị ách tắc.

Trong bối cảnh đó, để thị trường sớm hồi phục, bên cạnh biện pháp biên soạn một Nghị định sửa nhiều Nghị định để tạm thời giải quyết những vướng mắc xung đột này, vừa qua Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những vấn đề này. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý (ví dụ về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất …), để tránh việc “ngồi im” của cơ quan quản lý, để không bị sai hoặc ngược lại là đưa ra ý kiến thật an toàn cho mình nhưng chủ đầu tư lại rất khó khăn (Ví dụ: định giá đất dự án lên đến 135% so với dự án bên cạnh trước đó để không sợ sai)…

BẤT ĐỘNG SẢN GẶP KHÓ TÁC ĐỘNG BẤT LỢI ĐẾN NHIỀU LĨNH VỰC KHÁC

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM phân tích: Lĩnh vực bất động sản là một trong “21 ngành kinh tế cấp 1” quan trọng nhất của nền kinh tế của nước ta (với tổng số 1.571 ngành kinh tế từ cấp 1 đến cấp 5 theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg), nên thị trường bất động sản gặp khó khăn thì tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM

Có 2 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay: “Vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản; Khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

Bởi vậy, với giải pháp tháo gỡ “vướng mắc về pháp lý” thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Hiệp hội đề nghị trong thời gian 17 tháng tới đây chờ các Luật mới có hiệu lực và trên cơ sở các Luật hiện hành, để tháo gỡ “vướng mắc về pháp lý” thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định rất quan trọng trong tháng 02 hoặc đầu tháng 03/2023. Đó là: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đất đai; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Dự thảo Nghị định về quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án bất động sản, nhà ở, đô thị. Sau đó, các Bộ, ngành ban hành các Thông tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Hiệp hội cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại khẩn trương ban hành Quyết định quy định chi tiết thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP để xử lý diện tích đất công nằm “xen kẽ” trong dự án nhà ở thương mại để chủ đầu tư có căn cứ pháp luật tiếp tục thực hiện dự án và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước; Đề nghị Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương khẩn trương xem xét giải quyết các dự án có nguồn gốc “đất công”, “đất do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” hoặc dự án thuộc diện rà soát pháp lý, phải thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Ngoài ra, ông Châu còn đề nghị Chính phủ xem xét cho phép Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN“nới tiêu chí” nhưng không phải là “hạ chuẩn tín dụng” để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ, được “khoanh nợ xấu” đối với một số khoản nợ “nhóm 2, nhóm 3” để được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc….