Mệnh giá USD phổ biến nhưng gây phiền phức nhất ở Mỹ
Đồng 100 USD là mệnh giá tiền giá phổ biến nhất tại Mỹ với số lượng trong lưu thông nhiều nhất, thậm chí vượt xa đồng 1 USD, nhưng lại gây nhiều phiền phức cho người tiêu dùng...
Đầu tháng này, Rayza Sison, một nữ nhân viên điều phối chương trình, tới một khu chợ trời ở New York với năm đồng 100 USD trong túi. Tại đây, tất cả các chủ sạp hàng đều từ chối nhận tiền của cô với lý do họ không thể trả lại hoặc chỉ nhận thanh toán điện tủ qua ví Venmo hoặc Zelle.
Với mong muốn đổi tiền lẻ, cô gái 26 tuổi quyết định vào các cửa hàng cà phê rồi sau đó tới sạp hoa quả. Nhưng Sison lại bị từ chối. Và đến giờ, cả năm đồng 100 USD vẫn còn nguyên trong túi cô.
“Tôi đã hy vọng rằng tiền mặt sẽ tiện lợi hơn, đặc biệt là ở chợ trời. Nhưng thực tế không phải vậy”, Sison chia sẻ.
NƠI THẬN TRỌNG KIỂM TRA, NƠI THÀ KHÔNG BÁN HÀNG
Theo tờ báo Wall Street Journal, đồng 100 USD là mệnh giá tiền giá phổ biến nhất tại Mỹ với số lượng trong lưu thông nhiều nhất, thậm chí vượt xa đồng 1 USD. Theo dữ liệu gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ năm 2012 đến 2022, số lượng đồng tiền in hình Tổng thống Benjamin Franklin đã tăng gấp hơn hai lần – tốc độ tăng nhanh nhất trong số các mệnh giá USD khác.
Trên thực tế, đồng 100 USD được dùng để lưu trữ nhiều hơn so với chi tiêu. Kể cả khi các nhân viên thu ngân nhận đồng tiền mệnh giá này, họ sẽ phải tạm dừng việc thanh toán để kiểm tra xem đó có phải tiền giả hay không hoặc mất thời gian để đếm tiền trả lại. Các nhà kinh tế đã kêu gọi nhà chức trách Mỹ giảm in tiền mệnh giá 100 USD bởi mệnh giá này cũng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động phi pháp.
“Gần như tất cả mọi người đều đặt câu hỏi về sự hợp pháp của đồng tiền khi bạn sử dụng đồng 100 USD”, Sage Handley, 23 tuổi, cho biết.
Hồi đầu tháng, Handley - hiện đang là trợ lý nghiên cứu và tiếp thị ở College Station, bang Texas - phát hiện một đồng 100 USD trong túi đựng đồ trang điểm của mình. Cô đã đăng lên TikTok chia sẻ rằng mình rất ngại tiêu đồng tiền mệnh giá lớn này, đặc biệt là khi mua những món đồ giá trị thấp. Đây là một trong nhiều bài đăng mạng xã hội có nội dung như vậy.
Theo khảo sát của Wall Street Journal, ở Midtown Manhattan, các nhân viên thu ngân tỏ ra cảnh giác với những khách hàng trả đồng 100 USD cho những món hàng giá trị thấp. Một số người giơ tiền lên trước đèn để kiểm tra xem đó là tiền giả hay tiền thật. Một số khác sử dụng bút soi tiền giả.
Có ba cách để phát hiện tiền giả: bằng máy, bằng bút soi tiền giả hoặc kiểm tra một số chi tiết đặc trưng trên tờ tiền.
Tại một cửa hàng sách, nhân viên thu ngân kêu lên “kiểm tra tiền” sau khi nhận được 100 USD từ khách hàng. Lập tức một nhân viên khác đến để kiểm tra đồng tiền này bằng một thiết bị phát hiện tiền giả, trước khi hoàn tất giao dịch trị giá 3 USD cho vài quyển sách thiếu nhi. Cửa hàng này gần đây gặp một khách hàng đang cố gắng tiêu tiền 100 USD giả.
Tại một nhà hàng đồ chay gần đó, nhân viên thu ngân từ chối nhận đồng 100 USD cho giao dịch mua một chai trà kombucha giá 4,95 USD. Nhà hàng không có đủ tiền mặt tại quầy để trả lại. Nhân viên nhà hàng cho biết một khách hàng khác cũng vừa phải rời đi vì nhà hàng không nhận đồng 100 USD.
Một số cửa hàng khác được khảo sát cho biết họ sẵn sàng nói với khách hàng rằng họ không muốn nhận đồng tiền mệnh giá lớn nhất này.
CẤT GIỮ NHIỀU HƠN CHI TIÊU
Theo dữ liệu của Fed, khoảng 60% tất cả giao dịch mua bán ở Mỹ được thực hiện bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Số lượng giao dịch sử dụng tiền mặt đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19 năm 2020 và đến nay vẫn chưa phục hồi. Hiện tại, tiền mặt chỉ là phương thức thanh toán phổ biến thứ ba tại Mỹ, tính theo số lượng giao dịch.
Năm 2022, dù hơn 50% số đồng tiền mệnh giá 100 USD nằm ở bên ngoài nước Mỹ, ở trong nước vẫn có đủ lượng tiền mệnh giá này để mỗi người Mỹ sở hữu 55 tờ - theo tính toán của ông Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard.
Một lý do khác khiến đồng 100 USD trở nên phổ biến ở Mỹ do được giữ trong lưu thông lâu hơn. Những đồng tiền mệnh giá này có thể tồn tại trong lưu thông lâu hơn hàng thập kỷ so với các đồng 1 USD và 5 USD, một phần bởi người tiêu dùng có xu hướng giữ hơn là chi tiêu.
Dù gây nhiều phiền phức cho người sở hữu, đồng 100 USD vẫn mang dấu ấn văn hóa. Kelvin Jenkins, một chuyên gia phát triển năng lực lãnh đạo 34 tuổi sống tại Benicia, bang California, cho rằng những đồng tiền mệnh giá lớn “mang lại cảm giác như một biểu tượng địa vị”.
Đầu tháng này, Jenkins đã rút 100 đồng 100 USD để mua ô tô qua sàn thương mại điện tử trên nền tảng Facebook. Ngân viên giao dịch của ngân hàng đã sốc với lý do anh cần rút tiền mặt và hỏi anh làm nghề gì.
Tại Mỹ, nhân viên thu ngân ở những nơi như cửa hàng kẹo hay sạp báo thường ngạc nhiên khi được khách hàng yêu cầu trả lại cho đồng 100 USD. Tiền mặt thường được sử dụng cho các giao dịch giá trị thấp. Dữ liệu từ Fed cho thấy người tiêu dùng Mỹ bình quân chi tiêu 39 USD khi thanh toán bằng tiền mặt, so với 95 USD bằng thẻ tín dụng.
Theo giáo sư Rogoff, việc dễ dàng tích trữ và che dấu khiến đồng 100 USD tiện lợi sử dụng cho các hoạt động phạm pháp, như trốn thuế. Ông kêu gọi Chính phủ ngừng in đồng tiền mệnh giá lớn này.
Còn theo bà Helen Colby, phó giáo sư ngành tiếp thị tại Trưởng Kinh doanh thuộc Đại học Kelley Indiana, đồng tiền mệnh giá lớn khiến người tiêu dùng ngại chi tiêu hơn. Nghiên cứu cho thấy sinh viên đại học ngại mua hàng hóa hơn khi được đưa cho một đồng 100 USD so với năm đồng 20 USD.
“Hiện tượng này được gọi là ‘hiệu ứng mệnh giá’ khi hình thức của đồng tiền ảnh hưởng tới mong muốn chi tiêu của một người. Một đồng 1 USD có cảm giác ít ỏi, nhưng một đồng 100 USD có ý nghĩa và mang lại cảm giác ‘nhiều’ hơn rất nhiều”, bà Colby cho biết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, cảm giác giá trị đối với đồng 100 USD có xu hướng đi xuống. Một đồng 100 USD hiện nay chỉ có sức mua tương đương với khoảng 76 USD một thập kỷ trước.
Còn với Conner Morton, giám đốc vận hành của Prineta, công ty chuyên nạp tiền cho các cây rút tiền ATM ở thành phố Kansas, đồng 100 USD lại giúp giảm tải công việc. Ông cho biết Prineta gần đây đã nạp nhiều đồng 100 USD so với trước đây. Mệnh giá tiền này đặc biệt phổ biến tại các cây ATM gần cửa hàng cắt tóc, xăm hình, khách sạn và cửa hàng tiện lợi.
“So với năm đồng 20 USD, việc nạp đồng 100 USD giúp giảm năm lần khối lượng công việc của chúng tôi”, ông Morton cho biết.