Michelin Guide muốn “lấn sân” sang lĩnh vực khách sạn
Đây là một nỗ lực được ấp ủ và lên kế hoạch từ lâu, nhắm đến thị trường du lịch tại thời điểm sức chi tiêu của khách hàng và mức độ cạnh tranh trong ngành đang ở mức cao nhất mọi thời đại…
Hơn 1 thế kỉ tồn tại, Michelin Guide được ví như cuốn kinh thánh của ẩm thực. Sở dĩ nó quyền lực đến vậy bởi nó chứa đựng những giá trị cốt lõi để ẩm thực không đơn thuần là thưởng thức món ngon mà còn là một thú chơi công phu, một hành trình trải nghiệm bắt đầu bằng sự cầu kì và tinh tế, khắt khe, chuẩn mực và khép lại bằng sự mãn nguyện, hài lòng.
Michelin Guide khái quát hoá sự tinh tế của mình bằng bộ quy tắc gồm 5 tiêu chí khó nhằn đúng chuẩn tinh thần cầu kì của Pháp: đề cao chất lượng nguyên liệu sử dụng, kĩ thuật nấu điêu luyện, sự hài hoà trong hương vị, cá tính của đầu bếp được thể hiện trong món ăn và chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn.
Từ 5 tiêu chí này, Michelin Guide phân chia cấp độ 1-2-3 sao. Một sao Michelin có nghĩa là nhà hàng có chất lượng tốt, đáng để dừng chân. Hai sao đồng nghĩa nhà hàng có chất lượng xuất sắc, đáng để đi một quãng đường xa. Ba sao, cấp bậc cao nhất chứng tỏ chất lượng vượt trội, đáng để dành một chuyến đi đặc biệt.
Michelin Guide ngày nay còn mở rộng thêm nhiều hạng mục như Michelin Selected (nhà hàng do Michelin Guide đề xuất) hay Bib Gourmand dành cho những nhà hàng mang đến món ăn ngon với giá cả phải chăng. Trong suốt hơn 1 thế kỉ tồn tại, Michelin Guide dừng chân ở vùng đất nào đều đồng nghĩa tiếng tăm về ẩm thực của vùng đất đó không chỉ được khẳng định, thăng hoa. Mà từ đó còn mở ra vô vàn cơ hội thúc đẩy du lịch, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Mới đây nhất, tại một sự kiện ở Paris, Michelin Guide thông báo họ sẽ bắt đầu giới thiệu “những khách sạn đặc biệt nhất trên thế giới”. Thứ dùng để đánh giá cấp bậc không còn là các ngôi sao, mà sẽ được thay bằng biểu tượng “chìa khóa”. Số lượng chìa khóa được phân bổ dựa trên năm yếu tố: sở hữu nét đặc trưng của địa phương, có những yếu tố riêng biệt, thiết kế nội ngoại thất xuất sắc, dịch vụ hàng đầu và giá cả xứng đáng chất lượng.
Theo tờ The Guardian, động thái tiến vào mảng khách sạn diễn ra 5 năm sau khi Michelin âm thầm mua lại Tablet Hotels, một website chuyên về khách sạn hạng sang và khách sạn kiểu boutique (khách sạn quy mô vừa và nhỏ, có kiến trúc nổi bật). Hiện nay, giao diện và cơ sở dữ liệu của Tablet Hotels đang là đầu não cho một cổng thông tin trên website Michelin Guide, nơi người dùng có thể tiếp cận một số khách sạn và đặt phòng.
Michelin Guide cho biết những chiếc chìa khóa đầu tiên của họ sẽ được công bố vào nửa đầu năm 2024 từ loạt 5.300 khách sạn tại 120 quốc gia trên thế giới. Dù các khách sạn này có được chứng nhận chìa khóa Michelin Guide hay không, thì khách hàng vẫn có thể đặt phòng thông qua website Michelin Guide.
Michelin chưa nói rõ liệu một khách sạn có thể đạt được nhiều hơn một chìa khóa hay không. Trong đánh giá nhà hàng của họ, 1 sao là “địa điểm đáng ghé qua”, 2 sao là “đáng để ghé dù không gần lắm” và 3 sao là “dù đường đi có vất vả thì cũng nên ghé qua”… Ông Gwendal Poullennec, giám đốc quốc tế của Michelin Guide, khẳng định rằng chìa khóa Michelin sẽ là dấu hiệu rõ ràng và đáng tin cậy cho du khách trong việc lựa chọn địa điểm lưu trú.
Trong những tháng gần đây, World’s 50 Best và La Liste, những ông lớn trong ngành xếp hạng đánh giá nhà hàng (tương tự Michelin Guide), cũng lần đầu tiên tung ra danh sách các khách sạn được gợi ý. Theo Michelin Guide, để đạt được mục tiêu này, các chìa khóa sẽ được quyết định dựa trên những đánh giá từ các đợt lưu trú ẩn danh của giám khảo.
Điều này khác biệt so với World’s 50 Best và La Liste. World’s 50 Best xếp hạng dựa trên những khách sạn cho phép hội đồng ẩn danh của họ lưu trú miễn phí. Còn La Liste thì đánh giá dựa trên những gì mà các tờ báo khác đánh giá về khách sạn đó. Ông Poullennec khẳng định các giám sát viên sẽ đều tự thanh toán tiền phòng, do đó họ sẽ không xuất hiện bất kỳ “thành kiến thương mại” nào.
Đối với Michelin, dự án này đưa họ trở lại với nguồn cội của mình. Sách hướng dẫn Michelin ban đầu được ra mắt tại Pháp vào năm 1900 bởi anh em André và Édouard Michelin - những người sáng lập công ty lốp xe cùng tên - nhằm cung cấp kiến thức về ăn uống và lái xe địa phương vào thời điểm có ít hơn 3.000 ô tô trên đường ở Pháp. Để giúp người lái xe lên kế hoạch cho chuyến đi, thúc đẩy doanh số bán ô tô và lốp xe, cuốn hướng dẫn này chứa đầy bản đồ, lời khuyên hữu ích về cách thay lốp, nơi mua xăng và nơi có một bữa ăn ngon cũng như cách tìm thợ sửa xe trong trường hợp hỏng hóc.
Các ấn bản đầu tiên “được cung cấp miễn phí cho người lái xe”, nhưng bắt đầu tính phí vào năm 1920 và đưa ra bảng xếp hạng từ một đến ba sao đáng thèm muốn vào năm 1931. Trong những năm gần đây, cuốn cẩm nang phần lớn đã được thay thế bởi một trang web hiện có 47 triệu lượt truy cập mỗi năm và có thêm 6 triệu người đăng ký trên mạng truyền thông xã hội.
Giám đốc Gwendal Poullennec khi công bố dự án “chìa khóa Michelin” vào thứ Năm tuần trước, cho biết sách hướng dẫn Michelin ban đầu được tạo ra để khai sáng cho du khách vào thời điểm còn thiếu thông tin. “Ngược lại, ngày nay, du khách thấy mình phải đối mặt với một lượng lớn thông tin. Người dùng của chúng tôi dành trung bình 10 giờ trước màn hình để chuẩn bị cho chuyến đi và tham khảo hơn 10 nền tảng - đó là một cuộc vượt chướng ngại vật", ông nói.
Ông Poullennec nói thêm: “Chúng tôi sẽ xem xét điểm đến, cách các khách sạn bắt nguồn từ nơi họ tọa lạc, tính độc đáo, kiến trúc, trang trí, chất lượng chào đón và dịch vụ”. Ngày nay, Michelin Guide kiếm phần lớn tiền thông qua các lượt giới thiệu từ trang web của mình, nhận một euro cho mỗi lần đặt chỗ. Ông Poullennec cho biết các khách sạn sẽ trả hoa hồng từ 10 đến 15% cho Michelin khi đặt phòng thông qua trang web của mình, đồng thời cam kết rằng đội ngũ biên tập và bán hàng sẽ hoạt động độc lập.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Michelin Guide lần đầu tiên giới thiệu 9 khách sạn/khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam cùng các nhà hàng được gắn sao ở Hà Nội và TP.HCM. Đó là các khách sạn và khu nghỉ dưỡng: Zannier Hotels Bãi San Hô (Phú Yên), Sofitel Legend Metropole (Hà Nội), Amanoi (Ninh Thuận), Azerai Ke Ga Bay (Bình Thuận), Mia Resort Nha Trang (Khánh Hòa), Pilgrimage Village Boutique Resort (Thừa Thiên Huế), Six Senses Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), The Island Lodge (Tiền Giang) và The Myst Dong Khoi (TP.HCM).