Miền Trung chuẩn bị “hứng” bão số 7
Các hồ chứa ở miền Trung cơ bản đầy do mưa bão số 6 và đang xả tràn. Nếu giữ lại nước thì sẽ rất khó trong việc cắt lũ, nhưng nếu xả nhiều, rồi mưa ít thì lại thiếu nước trong mùa khô năm tới. Khu vực miền núi từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi, hiện đã ngập no đủ nước, chỉ cần tác động nhỏ từ mưa do bão số 7 gây ra cũng có thể dẫn đến nguy cơ sạt trượt…
Chiều 8/11/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì họp trực tuyến với các bộ ngành và 11 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận để ứng phó với bão số 7 (bão Yinxing).
BÃO SỐ 7 SẼ ĐỔ BỘ MIỀN TRUNG VÀO ĐÊM 12/11
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết sáng 8/11, bão số 7 đã vào biển Đông. Vào hồi 14 giờ chiều, bão Yinxing cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía đông, sức gió mạnh nhất 166 km/h, cấp 14, giật cấp 17. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 200 km.
Theo ông Khiêm, trong những ngày gần đây, các mô hình dự báo của quốc tế chưa có tính thống nhất về cơn bão số 7. Dự báo cụ thể các cơ quan nghiệp vụ của Nhật Bản cho rằng thời điểm bão mạnh nhất là chiều 8/11, sau đó suy yếu dần. Mỹ và Trung Quốc cũng có chung nhận định, nhưng bão còn có khả năng mạnh lên cấp 14-15.
Những phân tích của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng khi đi sâu vào Biển Đông, nhiệt độ bề mặt thấp cộng thêm không khí khô, không khí lạnh phía Bắc tràn xuống nên có thể bão sẽ suy yếu. Dự kiến bão số 7 đổ bộ đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm, hiện bão còn xa, cơ quan khí tượng chưa đưa ra kịch bản mưa lớn trên đất liền. Vùng bắc Biển Đông đang có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm 8-10 m. Ngày 11/11, vùng biển ngoài khơi Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.
"Các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh - Bình Thuận còn 42 trọng điểm đê xung yếu, tập trung ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Lúa vụ mùa ở Nam Trung Bộ còn hơn 71.000 ha chưa thu hoạch, chủ yếu ở Bình Thuận với hơn 43.000 ha".
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai.
Ông Khiêm lưu ý đang có dải hội tụ nhiệt đới với rất nhiều nhiễu động hình thành ở phía đông Philippines, có thể phát triển thành bão, áp thấp nhiệt đới trong 10 ngày tới. Ngoài bão số 7, các bộ ngành, địa phương cần có phương án ứng phó với các cơn bão tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, cho hay tính đến trưa ngày 8/11, các lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiền nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Cập nhật của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đến chiều 8/11, Bắc Trung Bộ có 6 hồ thủy điện điều tiết qua tràn là Bình Điền, Đa Krông 1, Đa Krông 3, Hố Hô và Hương Điền. Duyên hải Nam Trung Bộ có 6 hồ đang xả tràn là A Vương, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Vĩnh Sơn 5, Sông Công bậc 1, Za Hưng.
Về hồ thủy lợi, Bắc Trung Bộ có hơn 2.320 hồ đạt 76-95% dung tích thiết kế, trong đó 6 hồ đang vận hành xả tràn. Nam Trung Bộ có 517 hồ đạt 39-87% dung tích thiết kế, trong đó 4 hồ đang vận hành xả tràn. Các hồ đạt gần 100% thiết kế sẽ không thể tích nước, cắt lũ.
BỘ QUỐC PHÒNG HUY ĐỘNG 270 NGHÌN NGƯỜI CHỐNG BÃO
Đại tá Phạm Hải Châu - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ Quốc phòng đã có 3 công văn chỉ đạo các địa phương từ Quảng Ninh tới Kháng Hòa ứng phó với cơn bão số 7. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 270 nghìn người, 5 nghìn phương tiện và cả máy bay trực thăng để ứng phó với cơn bão số 7.
Theo ông Châu, trong năm 2024, các lực lượng đã làm tốt công tác kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển. Tuy nhiên, do đặc điểm cơn bão số 7 sẽ suy yếu khi vào gần bờ nên cần lưu ý tư tưởng chủ quan.
“Dự báo, bão số 7 sẽ suy yếu khi vào gần bờ, tuy nhiên, chúng ta cần đề phòng khi thời tiết xấu gây mất an toàn trên biển, cùng với đó là đề phòng mưa lớn. Các địa phương sẵn sàng di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm do mưa bão đến nơi an toàn”, ông Châu đề nghị.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 157 tàu thuyền trên biển đã nắm thông tin về bão số 7 Yinxing và đang di chuyển vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh Quảng Bình cũng đã chuẩn bị phương án di dời khoảng 3.400 người dân khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở.
Ông Lâm cho biết thêm, cơn bão số 6 (bão Trà Mi) đã gây ngập lụt trên diện rộng, khiến 8 người chết và thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng. Khi nước rút, tỉnh Quảng Bình đã huy động công an, biên phòng, thanh niên... hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, đã dọn dẹp vệ sinh môi trường và xử lý nước uống cho người dân vùng ngập lụt, học sinh đã đến trường. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lo lắng là các hồ chứa trên địa bàn cơ bản đã đầy, dung tích tại 35 hồ đạt 92,7%.
Tương tự, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay cơn bão số 6 đã gây thiệt hại lớn, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh bị ngập cục bộ, phải di dời người dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, cũng như ở Quảng Bình, nhiều người dân đã phải chống đỡ mệt mỏi với những đợt thiên tai, ngập lụt kéo dài. Hiện nay, tỉnh đang theo dõi diễn biến cơn bão số 7, với hy vọng bão không vào đất liền. Trước mắt, tỉnh đã kêu gọi tất cả tàu thuyền vào neo đậu ở nơi an toàn.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, đến thời điểm này còn nhiều dự báo khác nhau về bão số 7. Dự báo đây là cơn bão mạnh, vào biển Đông có thể mạnh lên cấp 15. Cũng may, thời điểm mạnh nhất là thời điểm này, sau đó có khả năng sẽ suy yếu đi, vào gần bờ có thể giảm cấp nữa. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan không được chủ quan, lơ là, ngay cả khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gần bờ hay thậm chí chỉ gây mưa nhỏ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào khu vực Trung Trung bộ, nơi vừa hứng chịu liên tiếp 3 đợt thiên tai khá nặng nề, gây mưa lụt lớn, người dân tâm lý rất mệt mỏi.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng nguy cơ cũng rất đáng quan ngại của bão số 7 là các hồ chứa. Trước bão Trà Mi, các hồ mới chứa được 30-40% dung thích thì hiện đã cơ bản đầy và đang xả tràn. Nếu giữ lại nước thì sẽ rất khó trong việc cắt lũ. Nhưng nếu xả nhiều, rồi mưa ít thì lại thiếu nước trong mùa khô năm tới.
“Với khu vực miền núi từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi, hiện đã ngập no đủ nước, chỉ cần tác động nhỏ từ mưa do bão Yinxing gây ra, có thể dẫn đến nguy cơ sạt trượt. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu địa phương và người dân ở các địa phương này không được chủ quan, mà cần thực hiện nghiêm Công điện 114/CĐ-TTg ngày 7/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo ứng phó bão số 7.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất hậu quả bão số 6, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7. Trong đó, cần khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, rà soát, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước.