Miệt mài bán ròng nhưng cá nhân trong nước vẫn lập kỷ lục 2,6 triệu tài khoản mở mới
Lũy kế cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán, kỷ lục trong 22 năm hoạt động.
Số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 98.942 tài khoản chứng khoán trong tháng 12, tăng nhẹ so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 98.785 tài khoản và các tổ chức mở mới 157 tài khoản.
Lũy kế cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán, kỷ lục trong 22 năm hoạt động. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại.
Tính đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 6,8 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,8% dân số.
Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối năm 2022 là 42.711 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân là 38.383 tài khoản; Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 4.328 tài khoản.
Mặc dù lượng tài khoản cá nhân tăng mạnh nhưng đối nghịch với đó là thanh khoản sụt giảm mạnh trên thị trường. Sau khi đạt kỷ lục 20.027 giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên vào năm 2021 thì thanh khoản bước sang năm 2022 đã giảm mạnh.
Những tháng đầu năm, thanh khoản mỗi phiên trên thị trường vẫn đạt 25.562 tỷ đồng/phiên tuy nhiên giảm dần về cuối năm, có những tháng như tháng 10 và tháng 11 thanh khoản chỉ còn 9.00 0 tỷ đồng/phiên. Tính trung bình, thanh khoản mỗi phiên trong năm 2022 đạt 15.728 tỷ đồng, giảm mạnh gần 22% so với năm 2021.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, thanh khoản cũng lập kỷ lục khi giá trị giao dịch của toàn HoSE chỉ là 7.423 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất của năm 2022 và chỉ được thấy trong giai đoạn năm 2020.
Bước sang năm 2023, thanh khoản được kỳ vọng khớp lệnh trung bình của Vn-Index 13.000 - 16.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2023.
Nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng kỷ lục. Mặc dù nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm ưu thế trong giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, nhóm này đã mất đi một phần động lực trong những tháng cuối năm do sự trổi dậy của dòng vốn ngoại.
Trong tháng 12, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 13.483 tỷ đồng trên HoSE và bán ròng khớp lệnh là 14.516 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng nhà đầu tư cá nhân bán ròng hàng chục nghìn tỷ đồng trong đó riêng tháng 11 giá trị bán ròng lên tới 19.000 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 14.340 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua ròng kỷ lục 26.482 tỷ đồng chỉ thua năm 2018. Sau 2 năm bán ròng quyết liệt, khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại trong năm 2022. Đặc biệt, khối này mua ròng đột biến vào những tháng cuối năm. Trong đó, Ngân hàng, Hóa chất là lĩnh vực ưa thích và được mua ròng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Trung Du – Chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản cho rằng, thanh khoản chưa thể cải thiện ít nhất từ thời điểm hiện tại cho đến tháng 6/2023, bởi lãi suất sẽ chưa thể sớm đảo chiều giảm. Yếu tố kỳ vọng duy nhất trong thời điểm hiện tại là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bù đắp cho tín dụng ngân hàng.
Dòng tiền trên thị trường chỉ có thể sôi động trở lại khi có sự nhập cuộc của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng rồi “cất đi” chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột. Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng. Tuy điều này khó xảy ra trong nửa đầu năm, song sau quý 2 tới đây bối cảnh có thể sẽ đảo ngược.
"Kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường cho thấy, sau các cú sập thị trường đều đi lên mạnh mẽ hơn. Dù vậy, thanh khoản năm 2023 sẽ khó vượt năm 2022 với giá trị giao dịch trung bình dưới 14.000-15.000 tỷ đồng. Rất khó có chuyện thị trường bùng nổ mà chỉ là những con sóng phục hồi", vị này nhấn mạnh.