22:29 31/05/2021

Mỗi lần “được” kêu gọi giải cứu, nông sản đều bị ép giá

Tường Bách

Tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông không dùng từ “giải cứu” khi đưa tin về nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng...

Trước mắt việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong và ngoài nước vẫn đang thuận lợi. 
Trước mắt việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong và ngoài nước vẫn đang thuận lợi. 

Tại văn bản số 2550 gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang đang triển khai mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, thu hoạch nông sản. Trong đó, áp lực tiêu thu vải thiều chính vụ tới đây là rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 thiếu nhân công thu hoạch, đóng gói, thiếu cả xe container vận chuyển và Bắc Giang đang tìm cách tháo gỡ.

Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Cục Báo chí chỉ đạo các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền chất lượng vải thiều Bắc Giang, việc sản phẩm này đang được tiêu thụ, xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ… và tiêu thụ trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải thiều nói riêng bởi sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng này.

“Vì trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự… có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân", văn bản của UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, khẳng định, tỉnh đã xây dựng các kịch bản cụ thể cho mùa vụ vải thiều năm 2021 và xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19, nhằm đảm bảo quả vải thiều chất lượng, an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Hiện, tỉnh Bắc Giang vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, trước mắt việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc vẫn thuận lợi. 

Tỉnh cũng đang xúc tiến tiêu thụ vải thiều qua các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê nhanh, từ ngày 28 - 30/5, đã có 400 đơn hàng đặt mua vải thiều Bắc Giang qua sàn Vỏ Sò, với tổng sản lượng hơn 2 tấn. Đến ngày 30/5, Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 16.500 tấn vải, giá bán thấp nhất là 16.000 đồng/kg, cao nhất là 55.000 đồng/kg. Trong đó, 5.000 tấn vải đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai.

Hiện trên toàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có 187 tổ chức, cá nhân đăng ký 265 điểm cân thu mua vải thiều ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện (tăng hơn 100 điểm so với một tuần trước). Trong đó có 73 điểm cân cố định đang hoạt động.

Ngoài vải thiều, Bắc Giang còn có nhiều loại nông sản tiềm năng được thị trường trong và ngoài nước biết đến như dưa hấu, cam, bưởi, chè, nhãn...
Ngoài vải thiều, Bắc Giang còn có nhiều loại nông sản tiềm năng được thị trường trong và ngoài nước biết đến như dưa hấu, cam, bưởi, chè, nhãn...

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang chiều 31/5, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị với các cơ quan truyền thông không dùng từ “giải cứu nông sản” nữa.

Bởi thứ nhất, ngay sau khi kêu gọi “giải cứu” người nông dân ngay lập tức đã bị ép giá khiến việc tiêu thụ rất khó khăn. Thứ hai, nông sản giảm giá, mất đi giá trị, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý số đông nông dân, gây chán nản, bỏ luôn ruộng đồng, không chăm sóc khiến nông sản không đạt chất lượng...

“Tôi để ý tại những điểm giải cứu nông sản tự phát, công tác đảm bảo phòng, chống dịch chưa được thực hiện tốt. Bà con chen chúc nhau mua, thậm chí mua về nhà rồi nhưng dùng không hết, gây ra sự lãng phí. Chúng ta đồng cảm với khó khăn của người nông dân nhưng cần có giải pháp để nâng niu giá trị nông sản, bởi vì đó là công sức của bà con,” Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Ông Lê Minh Hoan cũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp lần này, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Phụ nữ Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình, chuẩn hoá việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện vận chuyển nông sản từ vùng dịch Covid-19 lưu thông qua các địa bàn đưa ra thị trường tiêu thụ không còn bị dồn ứ, ách tắc.