09:04 30/10/2019

Môi trường Hà Nội đang được cải thiện hay ô nhiễm ngày một nghiêm trọng?

Hà Vũ

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tiếng ồn ở Thủ đô Hà Nội hiện nay không những không được cải thiện mà đang ngày một nghiêm trọng

Theo Uỷ ban Pháp luật, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã xẩy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm về không khí, về nguồn nước trên quy mô lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân Thủ đô và các vùng phụ cận - Ảnh: Quang Phúc
Theo Uỷ ban Pháp luật, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã xẩy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm về không khí, về nguồn nước trên quy mô lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân Thủ đô và các vùng phụ cận - Ảnh: Quang Phúc

Theo đánh giá của Chính phủ thì môi trường của thành phố Hà Nội đang từng bước được cải thiện, nhưng Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tiếng ồn ở Thủ đô Hà Nội hiện nay không những không được cải thiện mà đang ngày một nghiêm trọng.

Sau khi Chính phủ gửi báo cáo mới về việc thi hành Luật Thủ đô, báo cáo thẩm tra (hoàn thành ngày 28/10) của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra cho biết, để chuẩn bị báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong việc chuẩn bị nội dung báo cáo, tổ chức các đoàn công tác liên ngành để khảo sát việc thi hành Luật Thủ đô theo lĩnh vực và địa bàn, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo góp ý về những nội dung chuẩn bị báo cáo Quốc hội.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra nêu rõ, Luật Thủ đô có hai nội dung cơ bản được quy định ở hai chương là Chính sách xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô (chương 2) và Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô (chương 3). Nhưng, báo cáo thi hành Luật Thủ đô lần này (cũng như báo cáo giai đoạn 2013 - 2016), Chính phủ hầu như chỉ tập trung đề cập đến những mặt, lĩnh vực được quy định trong Chương 2 mà chưa có đánh giá về việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trách nhiệm của mình được quy định cụ thể tại Chương 3 của Luật.

Mặt khác, báo cáo thi hành Luật Thủ đô lần này là báo cáo định kỳ 3 năm lần thứ hai của Chính phủ (2016 – 2019), do đó những thành tựu, kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại chưa khắc phục cũng phải được làm rõ, tránh trùng lặp với báo cáo của giai đoạn trước.

Cơ quan thẩm cho rằng, báo cáo lần này cũng chưa có sự so sánh, đối chiếu với kết quả đánh giá thi hành Luật Thủ đô giai đoạn 2013-2016, để chỉ ra được mặt chuyển biến tích cực, nhất là việc khắc phục hạn chế, tồn tại đã được nêu trong báo cáo 3 năm thi hành luật lần thứ nhất, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với các mặt còn tồn tại, hạn chế.

Về nội dung cụ thể, liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường, báo cáo thẩm tra dẫn lại thông tin từ báo cáo của Chính phủ: trong giai đoạn 2016-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và phê duyệt 32 báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc các loại hình giao thông, hạ tầng khu đô thị, xử lý chất thải... Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô như trồng cây xanh, nạo vét và xử lý nước sông. 

Theo đánh giá của Chính phủ thì môi trường của thành phố Hà Nội đang từng bước được cải thiện, cơ quan thẩm tra cho biết.

Song, Uỷ ban Pháp luật nhận định, trên thực tế thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tiếng ồn ở Thủ đô Hà Nội hiện nay không những không được cải thiện mà đang ngày một nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ , năm 2017, tại 21/30 quận, huyện, thị xã trong thành phố Hà Nội có 187 khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã xẩy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm về không khí, về nguồn nước trên quy mô lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân Thủ đô và các vùng phụ cận, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

"Trước tình trạng ô nhiễm như vậy, các cơ quan có thẩm quyền xử lý rất bị động và chậm trễ, chưa có biện pháp kịp thời để thông báo đến người dân về mức độ ô nhiễm, làm cho nhân dân không kịp có biện pháp phòng ngừa, gây dư luận hoang mang lo lắng. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa được quan tâm đúng mức".

Sau đánh giá trên, cơ quan thẩm tra đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội, các cơ quan có liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và khẩn trương có những biện pháp hiệu quả để sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay.