11:13 12/08/2008

“Muốn đưa con số sát thực cũng khó!”

Anh Quân

Đại diện cơ quan thống kê nói về chênh lệch giữa con số ước tính và thực tế nhập siêu

“Tình hình xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm nay có nhiều bất thường và khó đoán định” - Ảnh: Anh Quân.
“Tình hình xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm nay có nhiều bất thường và khó đoán định” - Ảnh: Anh Quân.
Công bố từ Tổng cục Thống kê về con số nhập siêu tăng cao trong những tháng đầu năm từng làm góp phần làm dấy lên nhiều lo ngại.

Những tính toán về cán cân thanh toán quốc tế đều đưa đến quan điểm bi quan, nhất là từ phía các chuyên gia kinh tế vĩ mô hàng đầu, rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam khó có thể chống chịu được mức nhập siêu này.

Tâm lý lo ngại đã tạo nên một làn sóng đầu cơ ngoại tệ trong dân chúng, đẩy giá USD trên thị trường chợ đen có thời điểm vượt trên 19.000 đồng/USD. Và Chính phủ cũng buộc phải đưa ra nhiều giải pháp để kìm chế nhập siêu như tăng thuế, cấp hạn ngạch…

Thế nhưng, trong hai tháng gần đây, sự việc đã đảo chiều.

Nhập siêu đã được khống chế ở mức thấp, mức thực hiện trong tháng 6 chỉ còn 736 triệu USD, trong khi đó, con số ước tính nhập siêu trong tháng này của Tổng cục Thống kê đưa ra lại ở mức 1,3 tỷ USD.

Trả lời VnEconomy, bà Lê Thị Minh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) giải thích rằng nguyên nhân của sự chênh lệch này là do tình hình xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm nay có nhiều bất thường và khó đoán định.

Bà Thủy nói:

- Trong 4 tháng đầu năm, con số nhập siêu thực tế so với con số ước tính luôn cao hơn. Cụ thể tháng một ước tính là 1 tỷ USD thì con số thực hiện là 2,287 tỷ USD. Tương tự tháng hai là 2 tỷ và 2,779 tỷ USD, tháng ba là 2,3 tỷ và 3,284 tỷ USD, tháng tư là 2,75 tỷ và 3,219 tỷ USD.

Sự chênh lệch lớn giữa con số ước tính và thực hiện trong các tháng này là do có sự tăng lên bất thường lượng ôtô, xe máy nhập khẩu trong quý 1/2008, sang quý 2 là nhập khẩu vàng và nhiều loại sản phẩm tiêu dùng. Riêng nhập khẩu vàng 5 tháng đầu năm đã đạt 2,7 tỷ USD.

Thế còn hai tháng gần đây, vì sao con số ước tính lại cao hơn con số thực hiện?

Trong hai tháng Năm và Sáu, đặc biệt là tháng Sáu, nhập siêu giảm mạnh là do nhập khẩu đi xuống trong khi xuất khẩu lại tăng lên.

Trong khoảng thời gian này, một lượng hàng trước kia chúng ta phải nhập thì nay tái xuất như vàng, sắt thép, thậm chí là ôtô, một hiện tượng chưa từng có từ trước tới nay. Đặc biệt là từ tháng Năm trở đi, hiện tượng tái xuất rộ lên và chúng tôi cũng không lường hết được.

Tại thời điểm tính toán của chúng tôi, những bất thường như vậy chưa thể hiện và vì vậy con số ước tính khác với con số thực hiện.

Tức là những sai lệch giữa hai con số ước tính và thực hiện là do có sự khác nhau về thời điểm tính toán?

Đúng vậy. Nói về cơ chế số liệu và quy trình thống kê, Việt Nam là nước duy nhất đưa ra con số ước tính.

Ở Việt Nam, cơ quan thống kê chịu trách nhiệm cung cấp số liệu phục vụ công tác điều hành của Chính phủ. Vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu tính toán báo cáo thống kê từ ngày 19 hoặc 20 hàng tháng để phục vụ các cuộc họp của Chính phủ, thường là vào ngày 22 đến 24.

“Muốn đưa con số sát thực cũng khó!” - Ảnh 1

Số liệu để tính toán chỉ có thể chốt đến ngày 15 hàng tháng, có khi chỉ được số liệu 10 ngày đầu tháng, còn lại là ước tính. Sau khi chốt số liệu, tờ khai hải quan vấn tiếp tục về và con số này chính xác là bao nhiêu thì quả thật rất khó nói.

Giá lương thực và giá dầu thô xuất khẩu cũng là một bất thường khác trong năm nay. Thế nhưng, chúng tôi cũng không thể lấy giá niêm yết tại Bloomberg để đưa ra con số ước tính vì không biết hợp đồng ký lúc nào và giá tại hợp đồng xuất khẩu là bao nhiêu.

Trong tình hình ấy, đòi hỏi con số ước tính phải chính xác như con số thực hiện là không tưởng.

Thưa bà, nhưng ngoài việc căn cứ vào số liệu 10 ngày, hay 15 ngày đầu tháng, cũng nên tính đến tác động chính sách nữa chứ?

Khi tính toán, chúng tôi cũng đưa vào yếu tố quy luật xuất, nhập khẩu các năm. Tác động của chính sách cũng được tính đến, tuy nhiên, đã là chính sách thì thường có độ trễ của nó và đưa vào ngay không phải lúc nào cũng chính xác.

Tôi lấy ví dụ thế này. Khi lạm phát tăng cao, Chính phủ đưa ra chính sách giảm thuế 16 mặt hàng và ngay lập tức lượng hàng nhập khẩu tăng lên, làm tăng nhập siêu.

Thế nhưng khi tăng thuế nhập khẩu ôtô, đáng lẽ lượng nhập khẩu phải giảm thì thực tế lại tăng mạnh hơn do các doanh nghiệp tranh thủ mở tờ khai hải quan để “chạy” thuế.

Đến thời điểm áp dụng biểu thuế mới thì doanh nghiệp vẫn còn thời gian 15 ngày để nhập hàng về. Và con số là bao nhiêu thì rất khó ước tính.

Ngoài những căn cứ như trên, chúng tôi còn cân nhắc đến các đánh giá của cơ quan thống kê các địa phương báo cáo về, tham khảo ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp đầu mối như gạo, cà phê, cao su, chè… nhưng cũng khó mà chính xác hoàn toàn.

Ngay cả doanh nghiệp cũng khó mà ước tính được con số xuất nhập khẩu chính xác. Giả dụ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến thời điểm chốt số liệu chưa ký được hợp đồng xuất dầu thô thì báo cáo có thể bi quan về tình hình xuất khẩu của tháng đó. Nhưng sau đó lại ký được hợp đồng và xuất bán một lượng lớn thì chắc chắn con số tại thời điểm tính toán so với con số xuất khẩu thực của tháng phải có sự chênh lệch.

Trong một bộ, hai cơ quan có thể đưa ra các con số ước tính khác nhau từ cùng số liệu đầu vào.

Một vấn đề nữa mà nhiều độc giả của VnEconomy quan tâm là liệu con số mà cơ quan thống kê đưa ra có bị "tác động" nào khác, làm mất tính độc lập?

Tôi có thể khẳng định ngay là không thể có chuyện đó.

Để đưa ra số liệu hàng tháng, bộ phận thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải họp lại để đánh giá. Đây hoàn toàn là những cơ quan độc lập, chuyên về số liệu, không liên quan đến điều hành chính sách.

Hơn nữa, nếu để con số đẹp hơn, hai tháng Năm và Sáu chúng tôi phải đưa ra con số nhập siêu thấp hơn nữa chứ!

Những chênh lệch số liệu vừa qua hoàn toàn là do chúng ta chưa tính hết được tác động của chính sách cũng như tình hình thực tế. Trong điều kiện có nhiều bất thường, muốn đưa con số sát thực cũng khó.

Thế nhưng việc con số không sát thực tế rõ ràng là không có lợi cho điều hành của Chính phủ và tâm lý xã hội nói chung...

Thực tế là thời gian vừa qua, con số ước tính đã giúp cho Chính phủ có thể điều chỉnh chính sách kịp thời và không có cơ chế nào hơn để làm số liệu như vậy.

Tôi cho là tình hình này sẽ không kéo dài. Từ nay đến cuối năm, những bất thường như vừa qua sẽ không còn nữa và hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ trở về quy luật bình thường.

Trong điều kiện tình hình xuất, nhập khẩu ít có biến động lớn, con số ước tính là tương đối chính xác. Trước đây, có tháng số ước tính xuất, nhập khẩu chỉ chênh lệch khoảng chục triệu USD.