Mỹ-Ấn Độ đạt bước tiến trong kế hoạch áp giá trần với dầu Nga
Điều này diễn ra giữa lúc Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ toàn cầu đối với đề xuất áp giá trần với dầu Nga nhằm mục đích làm giảm nguồn thu của Moscow...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo, các quan chức Mỹ và Ấn Độ mới đây đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về đề xuất áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga.
Điều này diễn ra giữa lúc Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ toàn cầu đối với đề xuất này nhằm mục đích làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow.
Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Ấn Độ cùng với Trung Quốc đã đẩy mạnh mua dầu mỏ giá rẻ từ Nga, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow đã đẩy lạm phát toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm và gây thiệt hại doanh thu cho cả các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu có liên quan tới hoạt động thương mại dầu mỏ Nga.
"Cơ chế trần giá dầu nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ mà Nga dùng để bơm vào cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung dầu toàn cầu ở mức giá hợp lý".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo
“Tôi đã có một cuộc thảo luận rất xây dựng với những người đồng cấp Ấn Độ về đề xuất áp trần giá dầu, đồng thời cũng thảo luận sâu với các bên tham gia trong khu vực tư nhân của Ấn Độ”, ông Adeyemo nói với truyền thông ở New Delhi ngày 26/8 trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), trong đó có Mỹ, đang hướng tới áp dụng cơ chế giá trần đối với dầu Nga vào đầu tháng 12 tới, khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) - trong đó có cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển - có hiệu lực. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng lệnh cấm này sẽ đẩy giá dầu tăng lên đáng kể và mang lại nguồn lợi béo bở cho Nga.
“Cơ chế trần giá dầu nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ mà Nga dùng để bơm vào cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung dầu toàn cầu ở mức giá hợp lý”, ông Adeyemo phát biểu. “Chúng tôi rất lo ngại rằng đến ngày 5/12 (khi các biện pháp trừng phạt của EU có hiệu lực), thế giới sẽ rơi vào tình thế khó tiếp cận dầu Nga và điều này có thể đẩy giá dầu tăng”.
Theo ông, cơ chế trần giá dầu sẽ cho phép các nước phương Tây tiếp tục sử dụng dịch vụ của Mỹ và châu Âu để mua và vận chuyển dầu thô Nga.
Khi được hỏi liệu Mỹ có lo ngại về việc các công ty Ấn Độ dùng các tiền tệ khác, thay vì USD, để thanh toán giao dịch thương mại với Nga, ông Adeyemo khẳng định Washington “không quan tâm” tới loại tiền tệ được dùng để thanh toán giao dịch năng lượng.
Theo Reuters, các công ty Ấn Độ hiện đang sử dụng các loại tiền tệ khác để thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu than đá và dầu mỏ từ Nga. Trong đó, đồng Nhân dân tệ, Dhiram, Euro và Đôla Hồng Kông chiếm ít nhất 44% tổng số tiền thanh toán cho nhập khẩu than tháng 6 của nước này.
Về phía Nga, nguồn tin của Bloomberg là một quan chức phương Tây tuần trước cho biết nước này đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để đàm phán các hợp đồng cung cấp dầu dài hạn với mức giá giảm sâu tới 30% so với giá dầu trên thị trường quốc tế.
Đề xuất áp giá trần với dầu Nga hiện nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, nhiều nước cho rằng cơ chế này chỉ hiệu quả nếu phần lớn các nước mua dầu Nga ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, đồng ý tham gia.
Hiện chưa rõ lập trường của các quốc gia châu Á đối với cơ chế áp trần giá dầu. Tuy nhiên, không nhiều quốc gia công khai bày tỏ sự ủng hộ. Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg với các doanh nghiệp Ấn Độ, nước này đang do dự vì lo ngại sẽ thua thiệt so với các nước khác trước cơ hội mua dầu thô đại hạ giá của Nga.