Năm 2022: Quốc hội sẽ chủ động và sát sao hơn nữa
Năm 2022, với năm dấu ấn đáng nhớ trong những hoạt động của mình, Quốc hội sẽ sát sao cùng Chính phủ tạo nền tảng để thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Với sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội khóa 15 đã thực sự chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình. Điều đó đã để lại những dấu ấn đáng nhớ, góp phần tạo nên những thành tựu hết sức quan trọng của cả nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều nước.
NĂM DẤU ẤN ĐÁNG NHỚ CỦA QUỐC HỘI
“Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” là mong muốn củaTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với hoạt động của Quốc hội. Với tinh thần đó, Năm 2021, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, thể hiện rõ một Quốc hội, chủ động, đổi mới, thích ứng trong những hoàn cảnh đặc biệt để tạo nên 5 dấu ấn sâu đậm.
Dấu ấn đầu tiên thể hiện ngay từ kỳ họp khai mạc, đó là Quốc hội xác định rõ Chương trình hành động với 107 đề án, nhiệm vụ trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại, cách thức tổ chức kỳ họp, nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, công tác dân nguyện của Quốc hội.
Thứ hai là việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong giai đoạn 2021-2025 như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn… Đặc biệt, là Nghị quyết số 30/2021/QH15 chưa có tiền lệ, là sự mở đường cho các Nghị quyết tiếp theo quy định các biện pháp mạnh mẽ, cấp bách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ ba về lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã chủ động lập đề án xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ theo Kết luận số 19 - KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị. Đề án xác định 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể với 137 nhiệm vụ lập pháp. Lập pháp luôn là một vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Với những định hướng trước như vậy sẽ giúp cho Quốc hội đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng xây dựng pháp luật đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
“ Đây là lần đầu tiên Quốc hội triệu tập một Kỳ họp bất thường nhằm kịp thời ban hành các quyết sách cấp bách hỗ trợ đà phục hồi, phát triển của đất nước và từ thành công của Kỳ họp này sẽ mở ra một phương thức làm việc mới, giúp Quốc hội phản ứng linh hoạt hơn, quyết đáp kịp thời hơn các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn thuộc thẩm quyền của Quốc hội”
Đó là cách làm “chuyển mạnh từ trạng thái bị động, “bắc nước sôi chờ gạo người” sang chủ động triển khai thực hiện quyền lập pháp và kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình lập pháp”. Không để tình trạng “cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần”, như Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói.
Thứ tư, thể hiện trong lĩnh vực giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã xem xét, quyết định tiến hành giám sát tối cao hai chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hai chuyên đề giám sát liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021” và pháp luật về tiếp công dân từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”…Cả vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn cũng đã thực hiện có hiệu quả ngay trong các kỳ họp vừa rồi.
Thứ năm, thể hiện sự năng động, đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại. Quốc hội đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác sâu nhiều mặt với nghị viện các nước một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn; tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, chủ động đóng góp xây dựng, định hình “luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam,khẳng định Việt Nam là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
QUỐC HỘI CHỦ ĐỘNG HƠN, SÁT SAO HƠN
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì những dấu ấn trong năm 2021 đó đã tạo nên những kết quả “tiền đề rất quan trọng đưa đất nước vững bước đi lên”. “Và năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhìn chung, dự báo năm 2022 sẽ còn nhiều thách thức, khó khăn, tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là dịch Covid-19 có thể kéo dài, nguy cơ lây lan, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì thế, ngay từ đầu năm 2022, lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành tổ chức Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định nhiều nội dung lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến sự phục hồi, phát triển của đất nước trong điều kiện “bình thường mới” thích ứng an toàn với đại dịch như: dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025...
Bước vào năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: “Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 161 của Quốc hội, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá XV".
Theo đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ động hơn nữa, đồng hành sát sao hơn nữa với Chính phủ, các cơ quan nhà nước để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2022 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân;
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn; Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế;
Tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân;
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…