08:48 07/01/2023

Năm 2022, tỷ lệ rút tiền mặt qua ATM giảm một nửa so với năm trước

Năm 2022, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm mạnh từ 12% xuống 6,56%...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS cho biết, năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS.

Cụ thể, tỷ lệ này giảm từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% của năm 2022. Trước đó, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS cũng đã từng giảm từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021.

Song song, hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021. Trong đó, tỉ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.

 

"Việc tiếp tục giảm tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt so với tổng các giao dịch và tăng về tỷ trọng xử lý thẻ chip VCCS - tiêu chuẩn thẻ chip nội địa được xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2022 là những con số biết nói".

(Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá)

Ngoài ra, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt và trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến. Riêng đối với chương trình miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ, tổng phí NAPAS đã giảm cho các tổ chức thành viên trong năm 2022 đạt 1.743 tỷ đồng.

"Trên thực tế các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây đều cho thấy người dân ngày càng ít dùng tiền mặt. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như chuyển khoản, quét mã QR, cà thẻ, ví điện tử… đang ngày càng phát triển. Và quan trọng là các phương thức này được người dân ưa dùng bởi tính tiện lợi", Phó Thống đốc nói.

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử. Trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động. Có đến 3.300 tỷ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán.

Thêm vào đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% (về số lượng) và 40,55% (về giá trị); qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%. Ngoài ra, giao dịch qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%.

Mặc dù người dân ngày càng hạn chế rút tiền mặt qua ATM, tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm 2023 và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, tính thanh khoản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, trong đó có nhu cầu rút tiền mặt.