15:24 22/04/2025

Năm 2025, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 5.338 tỷ, tăng 33% và tham vọng mở rộng lĩnh vực chứng khoán

Quốc Khánh

Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842, tỷ tăng 14%; lợi nhuận trước thuế đạt 5.338 tỷ, tăng 33%... Đây là năm đầu tiên, Ngân hàng sẽ trả cổ tức tiền mặt…

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông, sáng 22/4.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông, sáng 22/4.

Sáng 22/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã OCB - HOSE) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Tại đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB, nhận định năm 2025 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của OCB, ngân hàng đặt ra những mục tiêu chiến lược đầy tham vọng, hướng đến quản trị hiệu quả và tối ưu vận hành.

Cụ thể, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 khoảng 208.472 tỷ, tăng 16% lên. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.338 tỷ, tăng 33% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Bên cạnh đó, OCB đặt mục tiêu vào Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả ESG, đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường 1 lên hơn 11% trong năm 2025.

Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán, với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Trước đó, OCB chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8% trên vốn điều lệ trong năm nay. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 24.657 tỷ lên 26.631 tỷ. OCB dự kiến sử dụng vốn tăng thêm để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.

Thời gian thực hiện các đợt tăng vốn sẽ do hội đồng quản trị quyết định, sau khi được cơ quan chức năng cho phép. Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.

Theo Chủ tịch ngân hàng OCB, thời gian qua Ngân hàng đã hỗ trợ đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp lớn và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy, trên cở sở này, nhà băng sẽ mở rộng khai thác phục vụ chuỗi giá trị, các nhà cung cấp, kênh phân phối, khách hàng để đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn; phát triển khách hàng bán lẻ thông qua các sản phẩm may đo cho từng khách hàng và định hướng phát triển khách hàng cá nhân thông qua hệ sinh thái của khách hàng doanh nghiệp; đẩy mạnh SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ), lọc lại đối tượng khách hàng mục tiêu trọng tâm.

Ông Tuấn xác định khối FDI là cơ hội phát triển, khi mà có sự dịch chuyển vốn từ Trung Quốc. Hiện thị trường tập trung FDI lớn, quy mô toàn cầu, tuy nhiên còn cơ hội FDI SME.

Trả lời cổ đông về định hướng đầu tư vào công ty chứng khoán, Chủ tịch OCB đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia chưa cao và cơ hội nâng hạng thị trường lên mới nổi là rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực mà các ngân hàng trên hệ thống nói chung và OCB nói riêng khá "tâm huyết" giúp ngân hàng hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái của mình, đẩy mạnh phát triển, đa dạng dịch vụ sản phẩm, gia tăng khoản thu nhập.

Do vậy, Ban lãnh đạo OCB đã có định hướng sở hữu công ty chứng khoán, nhằm mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường hiện chưa thuận lợi nên ở giai đoạn này, OCB đã triển khai việc hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty chứng khoán VIS. Về dài hạn, có thể tiến tới sở hữu công ty chứng khoán khi điều kiện thuận lợi.

Được biết năm 2024, danh mục khách hàng của OCB có sự chuyển dịch, tập trung vào nhóm khách hàng chiến lược cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, giúp 15.000 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận các gói vay với lãi suất cạnh tranh.

Kết quả trong năm 2024, OCB tăng trưởng tín dụng gần 20%, cao hơn trung bình ngành là 15,08%. Trong đó, dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 51,7% so với đầu năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 17% lên 280.712 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 2,38%.

Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023, thực hiện được 98% kế hoạch năm. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13,1%, cao hơn mức trung bình ngành là dưới 10%. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng gần 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng. Riêng tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023.

Tổng thu thuần đạt 10.069 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024. Kết quả cả năm OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.006 tỷ đồng.

Thời gian tới, OCB sẽ (1) tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh thông qua việc triển khai KPI Green Loan dành cho các khối kinh doanh; (2) hoàn thiện khung quản trị ESG theo thông lệ quốc tế, phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh, tài chính toàn diện và (3) định hướng nâng cao xếp hạng ESG của ngân hàng, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.