Năm 2036, thế giới sẽ có 7,8 tỷ người đi máy bay
Nhu cầu tăng cao tạo ra áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng hàng không
Giá vé máy bay ngày càng rẻ khiến việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên khả thi đối với phần đông dân số thế giới. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tới năm 2036 sẽ có khoảng 7,8 tỷ người di chuyển bằng máy bay, gần gấp đôi so với con số 4 tỷ năm 2017.
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy nhu cầu hàng không, chiếm hơn một nửa số hành khách mới trong vòng 2 thập kỷ tới, IATA cho biết.
Các quốc gia châu Á chiếm giữ 4 vị trí đầu tiên trong top 10 cặp điểm đến dẫn đầu thế giới. Ngoài ra, lượng dân Ấn Độ di chuyển qua lại khu vực Trung Đông để làm việc và du khách Trung Quốc đổ ra khắp thế giới chủ yếu là Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… cũng thúc đẩy tăng trưởng hành khách hàng không.
Tăng trưởng dự báo về lượng hành khách của các thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2036 so với 2016 - Nguồn: IATA.
Trung Quốc được dự báo sẽ soán ngôi Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới (dựa trên lượng hành khách đến, đi và nội địa) vào năm 2022. Trong khi đó, Anh sẽ tụt xuống vị trí thứ 5 và bị vượt mặt bởi Ấn Độ vào năm 2025, bởi Indonesia vào 2030. Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ lọt vào top 10 thị trường lớn nhất, trong khi Pháp và Italy lần lượt rơi xuống vị trí 11 và 12.
"Thế giới cần chuẩn bị cho lượng hành khách di chuyển bằng máy bay tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đây là tin tuyệt vời đối với sự thịnh vượng và tiên tiến của thế giới vốn được thúc đẩy nhờ kết nối hàng không. Nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với các chính phủ và ngành công nghiệp hàng không trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu này", Tổng giám đốc, CEO Alexandre de Juniac của IATA phát biểu.
Theo IATA, việc tối đa hóa lợi ích tiềm ẩn của tăng trưởng hàng không sẽ phụ thuộc vào mức độ tự do hóa thương mại hiện tại và các chính sách thị thực được duy trì. Nếu như chủ nghĩa bảo hộ thương mại và hạn chế di trú lên ngôi, những lợi ích của việc kết nối hàng không sẽ giảm xuống khi mà tăng trưởng chỉ còn 2,7%, đồng nghĩa với việc lượng hành khách giảm 1,1 tỷ người mỗi năm vào 2036.
Ngược lại, nếu xu hướng tự do hóa đi lên, tăng trưởng hàng năm sẽ nhanh chóng vượt qua mức 2% và lượng hành khách sẽ tăng gấp 3 lần trong 20 năm tới.
Việc chuẩn bị cho sự tăng trưởng này đòi hỏi sự hợp tác tăng cường giữa ngành hàng không, các cộng đồng và các chính phủ để mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng.
Các đường băng, nhà ga và kết nối mặt đất với sân bay sẽ chịu áp lực ngày càng lớn, do đó cần những giải pháp đột phá trong quy trình an ninh, xử lý hàng hóa, hành lý… Công tác quản lý lưu lượng hàng không cần cải tổ ngay nhằm giảm việc hoãn, hủy và chi phí vận hành cũng như lượng khí thải ra môi trường.
"Nhu cầu tăng cao sẽ gây ra áp lực đáng kể đối với cơ sở hạ tầng. Giải pháp không nằm ở những quy trình phức tạp hay xây dựng thêm sân bay lớn mà nằm ở những công nghệ mới giúp cải tiến các hoạt động ngoài sân bay, sắp xếp các quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động", ông de Juniac cho biết.