07:52 21/04/2022

Nasdaq tụt điểm vì cú giảm 35% của cổ phiếu Netflix, giá dầu giằng co

Bình Minh

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/4) trong trạng thái không đồng nhất do ảnh hưởng của các cổ phiếu nhất định. Giá dầu thô giằng co khi mối lo về sự thiếu hụt nguồn cung quay trở lại chi phối thị trường...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 250 điểm, tương đương tăng 0,7%, đạt 35.160,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm chưa đầy 0,1%, còn 4.459,45 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,2%, còn 13.453,07 điểm.

Trong khi Dow Jones nhận được cú huých từ cổ phiếu Procter & Gamble, Nasdaq đương đầu với sức ép giảm mạnh từ cổ phiếu Netflix.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, Procter & Gamble chốt phiên với mức tăng 2,5%.

Trái lại, số thuê bao quý 1 giảm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ khiến cổ phiếu Netflix giảm 35%, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất của cổ phiếu này kể từ năm 2004. Cú giảm này khiến công ty phát video trực tuyến mất 50 tỷ USD vốn hoá chỉ trong một ngày. Cổ phiếu các công ty đối thủ của Netflix như Disney và Roku, cùng nhiều cổ phiếu công nghệ khác, cũng bị nhà đầu tư bán mạnh.

“Thị trường tiếp tục có sự phân nhánh”, chuyên gia Dave Grecsek của Aspirant nhận định. “Một số cổ phiếu phong thủ, giá trị đang mang lại lợi nhuận tốt. Nhưng mặt khác, những cổ phiếu công nghệ kiểu tăng trưởng cũng đang chật vật”.

Tuần này, giới đầu tư ở Phố Wall chủ yếu chờ loạt báo cáo tài chính quý 1 của doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, thị trường cũng chờ những tín hiệu tiếp theo về chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,45 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, chốt ở 106,8 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,19 USD/thùng, chốt ở 102,75 USD/thùng.

Trong phiên ngày thứ Ba, giá cả hai loại dầu giảm 5,2% sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 do lo ngại ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và cảnh báo rằng lạm phát đã trở thành “nguy cơ rõ ràng và hiện hữu” đối với nhiều quốc gia. Triển vọng kinh tế xấu đi đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới có thể suy yếu.

Cùng với đó, phong toả chống Covid ở Trung Quốc tiếp tục gây áp lực giảm lên giá dầu.

Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Tư, thị trường lại lo ngại về khả năng thắt chặt của nguồn cung dầu – nhân tố đã thúc giá dầu tăng mạnh từ đầu năm, đặc biệt là sau khi chiến tranh nổ ra.

“Trong lúc cuộc chiến tranh ở Ukraine tiếp tục leo thang, khả năng xung đột kéo dài và gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga tiếp tục hỗ trợ giá dầu”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định.

Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần trước giảm 8 triệu thùng do xuất khẩu dầu thô tăng lên mức cao nhất 2 năm.

Nguồn tin là quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Uỷ ban châu Âu (EC) đang nỗ lực tìm các nguồn cung năng lượng thay thế để có thể đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu Nga và thuyết phục Đức cùng các nước EU còn chần chứ khác nhất trí với một biện pháp trừng phạt như vậy.

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu cũng đang bị gián đoạn ở nhiều nơi. Libya, một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang mất 550.000 thùng trong sản lượng dầu mỗi ngày do xung đột vũ trang gây đứt gãy hoạt động sản xuất tại các mỏ dầu lớn và cảng dầu của nước này – theo Công ty Dầu lửa Quốc gia Libya (NOC).

Một báo cáo từ OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số nước đồng minh ngoài khối gồm Nga, đạt sản lượng khai thác dầu ít hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với mục tiêu trong tháng 3, một phần do sự suy giảm sản lượng dầu của Nga vì tác động của lệnh trừng phạt.