Nếu chủ động được nguồn ngân sách, có thể ban hành chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ một số chính sách đặc thù của TP.HCM dành cho nhà giáo với gợi mở, bên cạnh chế độ chính sách chung của nhà nước, Hải Dương và các tỉnh/thành chủ động được nguồn ngân sách có thể tính toán ban hành chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên.
Ngày 12/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cùng lãnh đạo một số đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với tỉnh Hải Dương về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh và công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC CHO ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời điểm này, khối lượng công việc và các yêu cầu đặt ra trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông cần sự tập trung rất cao. Do đó, Sở giáo dục đào tạo tỉnh Hải Dương cần tham mưu đánh giá kết quả triển khai chương trình 2018 sau 3 năm đầu triển khai, đặc biệt với lớp 10.
Năm học 2023-2024 triển khai thêm 3 lớp, những khó khăn sẽ tăng thêm, vấn đề thiếu nhân lực và thách thức khác còn lớn hơn nữa. Do đó, cần nhìn trước, thấy hết những khó khăn đặt ra để tham mưu cho tỉnh.
“Đây là thời điểm cần điều kiện, nguồn lực một cách tập trung nhất, ráo riết nhất. Cần thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị trước thềm năm học mới. Rà soát trang thiết bị nào còn sử dụng được, những gì phải mua sắm mới, vướng mắc ra sao để tìm cách tháo gỡ…”. Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, đây phải trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND mới có thể đáp ứng, triển khai hiệu quả.
Về những khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên, theo Bộ trưởng khó có thể giải quyết ngay, cần từng bước với nhiều giải pháp khác nhau: từ điều động, luân chuyển, bồi dưỡng đến tuyển mới, tạo nguồn tuyển... Bộ trưởng cũng chia sẻ một số chính sách đặc thù của TP HCM dành cho nhà giáo với gợi mở, bên cạnh chế độ chính sách chung của nhà nước, Hải Dương và các tỉnh/thành chủ động được nguồn ngân sách có thể tính toán ban hành chính sách ưu đãi riêng cho giáo viên.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa, giáo dục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khối tư nhân mở hệ thống các trường ngoài công lập; qua đó vừa làm giảm sức ép cho hệ thống công, giảm sức ép về thiếu giáo viên, vừa đa dạng sự lựa chọn cho người học.
Với giáo dục đại học, Bộ trưởng lưu ý Trường Đại học Hải Dương sau quyết định sáp nhập của Thủ tướng Chính phủ cần có kế hoạch ráo riết hoàn thiện các điều kiện về đào tạo sư phạm, như đẩy nhanh việc thu hút cán bộ, tăng cường đào tạo đội ngũ hiện tại. Đặc biệt, chuẩn bị điều kiện mở thêm một số ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực đội ngũ giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật.
“Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nghệ thuật đang là môn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu để kéo dài việc không có giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thì người học sẽ thiệt thòi”, Bộ trưởng nói.
Cũng liên quan đến đào tạo giáo viên, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Hải Dương trong chương trình đào tạo cần tăng cường trang bị cho đội ngũ giáo viên tương lai kỹ năng, hiểu biết để có thể phát hiện, xử lý tình huống ngay khi bạo lực học đường chưa phát sinh. Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ tăng cường hỗ trợ về tài liệu, tập huấn để đẩy mạnh nội dung này.
Hoạt động tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng là những nội dung được Bộ trưởng lưu ý với tỉnh Hải Dương. Riêng với Kỳ thi, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, chuẩn bị mọi điều kiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, dự phòng các tình huống có thể xảy ra, trong đó có các tình huống về thiên tai… để không xảy ra bất kỳ sai sót nào.
QUAN TÂM THỰC CHẤT TỚI GIÁO DỤC
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng, có 3 nhóm việc chính tỉnh cần quan tâm. Trước mắt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Thắng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trực tiếp là Sở giáo dục đào tạo quan tâm tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng, các lãnh đạo đơn vị của Bộ. Thực hiện đầy đủ quy trình, tiến độ, tránh ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi trên địa bàn tỉnh.
Về nhóm việc liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên, Bí thư Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Hải Dương là tỉnh khá, là một trong 18 tỉnh/thành phố có thể tự cân đối ngân sách, không thiếu nguồn lực để đầu tư, trong đó ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, y tế, an sinh.
Với gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc xem xét chính sách riêng của địa phương cho đội ngũ nhà giáo như một số địa phương khác có thể tự cân đối nguồn thu đã làm, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng khẳng định, tỉnh Hải Dương hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là cần có tham mưu, đề xuất phù hợp.
Riêng về đầu tư cơ sở vật chất, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, những nơi nào trên địa bàn tỉnh còn trường tạm, trường mượn là tỉnh lập dự án bố trí nguồn vốn đầu tư ngay, những việc khác có thể lùi được. Thời gian tới, Hải Dương sẽ chú ý, quan tâm hơn nữa tới cơ sở vật chất cho giáo dục.
Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hải Dương - Lương Văn Việt cho biết, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 842 trường mầm non, phổ thông (779 trường công lập, 63 trường tư thục). Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường đại học và 1 cơ sở đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; 1 trường trung cấp và 4 trường cao đẳng nghề.
Bên cạnh thuận lợi, giáo dục Hải Dương cũng gặp những khó khăn liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số trường ở đô thị diện tích hẹp không thể mở rộng, số học sinh tăng nhanh, không đủ phòng học, phòng bộ môn.
Trang thiết bị dạy học thiếu, nhất là thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn ở một số địa phương thiếu nguồn tuyển, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp…