10:55 05/05/2022

Nếu có “Sell in May” thì đây là cơ hội tuyệt vời tích luỹ cổ phiếu tốt

Thu Minh

Hiện tượng “Sell in May, go away” nếu diễn ra sẽ mở ra nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu trong dài hạn...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thống kê trong lịch sử thị trường chứng khoán thế giới, tháng 5 thường là tháng giảm điểm. Thành ngữ nổi tiếng về hiện tượng này là “Sell in May, go away” tức là bán vào tháng 5 và đi chơi.

Một trong những nguyên nhân giải thích điều này vì thông thường tháng 5 là vùng trũng thông tin, khi các con số lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh hầu hết đã được công bố. Bên cạnh đó tháng 5 cũng là mùa du lịch, nghỉ ngơi bắt đầu, vì vậy thanh khoản có xu hướng sụt giảm và dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo thống kê của Agriseco, tại Việt Nam, thị trường dường như không tuân theo quy luật này. Kể từ 2006, VN-Index có 8 năm tăng điểm trong tháng 5 và cũng có 8 năm giảm điểm, một con số khá cân bằng.

Cho năm 2022, Agriseco đánh giá hiện tượng “Sell in May, go away” nếu diễn ra sẽ mở ra nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu trong dài hạn bởi thứ nhất, thị trường vừa trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh khi VN-Index. Sụt giảm 8,4% trong tháng 4 khiến mặt bằng giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện khoảng 14,9 lần, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (18,1 lần), Malaysia (15,9 lần), và so với trung bình P/E các năm gần đây (16,2 lần).

Thứ hai, sau giai đoạn giảm mạnh với sự lao dốc của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu đầu cơ, VN-Index đang có dấu hiệu tạo đáy với các phiên tăng, giảm xen kẽ với thanh khoản thấp.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá rất sáng nhờ quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, tăng trưởng từ xuất khẩu cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đầu tư công của Chính phủ.

Cuối cùng, mặt bằng lãi suất và lạm phát vẫn đang ở mức thấp và dự báo duy trì ổn định trong cả năm 2022, tạo môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán tăng điểm.

"Hiệu ứng “Sell in May” không phải lúc nào cũng chính xác. Trong 2 năm gần đây nhất là năm 2020 và 2021, VN-Index còn có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 12,4% và 7,15% so với tháng trước đó. Vì vậy, thị trường trong tháng 5/2022 có thể diễn ra tích cực hơn so với những lo ngại của dòng tiền và có thể tận dụng thời gian này gom cổ phiếu với mức giá tốt", Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đưa ra góc nhìn lạc quan.

Agriseco Research đã lựa chọn ra 8 mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và câu chuyện tăng trưởng, phù hợp để tích lũy trong các nhịp giảm điểm của thị trường.
Agriseco Research đã lựa chọn ra 8 mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và câu chuyện tăng trưởng, phù hợp để tích lũy trong các nhịp giảm điểm của thị trường.

Cũng bình luận về hiệu ứng “Sell in May”, tại toạ đàm về chứng khoán mới đây, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, thời gian qua, thị trường đã giảm có phần thái quá, mức chiết khấu 15% trong vòng một tháng đưa rất nhiều cổ phiếu trong VN30 vào vùng hấp dẫn có thể đầu tư dài hạn. Đợt điều chỉnh này là điều chỉnh lớn nhưng chưa phải là down trend lớn, quá trình cân bằng của thị trường và hồi phục trong tháng 5

“Năm nay không phải là “Sell in May” nữa mà là “Buy in May”. Thị trường đang ở thời điểm cân bằng hồi phục. Đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư tham gia thị trường và lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng”, vị này nói.

Cũng theo ông Ngọc, chúng ta có gần 3 tháng đi trên vùng đỉnh, một giai đoạn 1.480 - 1.530 điểm, thanh khoản cao và tại vùng đó tích lũy lại lâu. Đó chính là vùng phân phối xảy ra trong giai đoạn Fed đã tăng lãi suất và xu hướng lãi suất còn tăng lên nữa. Tại Việt Nam, chưa có động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lãi suất qua đêm đã tăng trong vòng 1 tháng nay.

Còn ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, hiệu ứng tháng 5 giống với các thị trường phương Tây hơn ở Việt Nam. Thường người ta thống kê đầu tư nửa cuối năm sẽ tốt hơn nửa đầu năm nên có hiệu ứng tháng 5 đi chơi bởi vì nước ngoài hay có nghỉ hè. Trong giai đoạn này thị trường cũng thường trống thông tin nên có hiệu ứng trên.

“Ở Việt Nam có vẻ là ‘năm ăn năm thua’ vì thực ra nếu nhìn vào dữ liệu thì thấy có những năm ‘sell in may’ thì tốt có những năm thì không. Không rõ xu hướng. Tôi nhớ không nhầm trong cuộc đời giao dịch cũng chưa bao giờ dùng hiệu ứng tháng 5 trong giao dịch vì thực ra đó là câu chuyện riêng với từng cổ phiếu một hơn là câu chuyện bán rồi đi chơi”, ông Hưng nói.