Nga giảm bơm khí đốt cho Pháp trước khi khoá đường ống Nord Stream 1
Châu Âu đang lo ngại rằng Nga sẽ đưa ra một cái cớ nào đó để khoá luôn Nord Stream 1 sau đợt bảo trì này...
Pháp ngày 30/8 cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như “một vũ khí chiến tranh”, sau khi hãng khí đốt quốc doanh Gazprom giảm cung cấp khí đốt cho một khách hàng lớn ở Pháp. Động thái này của Moscow diễn ra ngay trước khi Nord Stream 1 bị khoá trong 3 ngày để bảo trì bất thường.
Theo hãng tin Reuters, Pháp cho biết Nga đã cắt giảm lượng khí đốt bơm cho công ty năng lượng Pháp Engie. Diễn biến này đẩy cao nỗi bất an của châu Âu trong bối cảnh các chính phủ trong khu vực đang căng mình ứng phó với đà leo thang chóng mặt của giá năng lượng giữa lúc mùa đông đang đến gần.
Trong tuyên bố mới nhất, Gazprom cho biết sẽ cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Engie từ ngày 1/9 vì công ty Pháp chưa thanh toán xong tiền mua khí đốt trong tháng 7.
Các nước phương Tây lo ngại rằng Moscow đang cố tình đẩy giá khí đốt lên để trả đũa sự trừng phạt mà họ áp lên Nga liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời khiến phương Tây không thể tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 30/8 gọi hành vi này của Nga là “chủ nghĩa khủng bố kinh tế”. Tất cả những cáo buộc này đều bị Nga phủ nhận.
Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt khổng lồ giữ vai trò huyết mạch của dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu, đang làm tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng giữa hai bên. Tuần này, nguồn cung khí đốt của Nga đối với châu Âu sẽ siết chặt hơn nữa khi Gazprom đóng cửa Nord Stream 1 trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày thứ Tư đến ngày thứ Bảy. Từ cuối tháng 7 đến nay, dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất của đường ống.
Người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin ngày 30/8 nói rằng các vấn đề kỹ thuật xuất phát từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga chính là trở ngại duy nhất đối với việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Dịch chuyển năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nói trên kênh phát thanh Inter: “Rõ ràng Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí chiến tranh và chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong đó nguồn cung khí đốt bị gián đoạn hoàn toàn”.
Phát biểu này của vị Bộ trưởng được đưa ra sau khi Engie cho biết nhận được ít khí đốt hơn từ Gazprom trong ngày 30/8 vì một mâu thuẫn về hợp đồng, nhưng không nêu cụ thể hơn.
Châu Âu đang lo ngại rằng Nga sẽ đưa ra một cái cớ nào đó để khoá luôn Nord Stream 1 sau đợt bảo trì này, hoặc kéo dài thời gian bảo trì.
Khi được hỏi liệu có đảm bảo nào về việc Gazprom sẽ mở lại Nord Stream 1, ông Peskov nói: “Có sự bảo đảm rằng ngoài những vấn đề kỹ thuật gây ra bởi lệnh trừng phạt, không có gì khác cản trở sự cung cấp khí đốt”.
Theo dự kiến, các bộ trưởng năng lượng trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp khẩn vào ngày 9/9 để thảo luận về cuộc khủng hoảng.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang muốn thảo luận áp trần giá khí đốt chung cho toàn châu Âu, nguồn tin là quan chức Italy cho biết. Theo nguồn tin, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã gửi tin nhắn tới các bộ trưởng năng lượng EU nói rằng Berlin sẵn sàng thảo luận vấn đề trần giá khí đốt trong cuộc họp vào tuần tới.
Thủ tướng Italy Mario Draghi vốn đang thúc đẩy việc áp dụng trần giá và kêu gọi triển khai các biện pháp nhằm cắt đứt mối liên kết giữa giá điện và giá khí đốt. Một động thái như vậy sẽ cho phép các hộ gia đình ở châu Âu hưởng lợi ích từ nguồn điện tạo ra từ các nguồn năng lượng rẻ hơn như năng lượng tái sinh.
CEO Mario Mehren của công ty năng lượng Đức Wintershall Dea ngày 30/8 nói rằng mức giá khí đốt hiện nay đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong dài hạn sẽ giảm.
“Mức giá hiện nay thật điên rồ. Đó là thứ mà ngay cả một nhà sản xuất khí đốt cũng không muốn có vì rốt cục, nhu cầu sẽ sụt giảm mạnh mẽ vì giá quá đắt”, ông Mehren nói bên lề một hội thảo ở Na Uy.
Giá khí đốt giao sau tại sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, tăng trong phiên ngày 30/8 sau khi giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Lúc đóng cửa, giá khí đốt giao tháng kế tiếp tăng 1,5%, lên mức 271 Euro/MWh. Mức giá này đã giảm nhiều từ kỷ lục thiết lập vào tuần trước, nhưng vẫn cao hơn khoảng 5 lần so với mức giá cách đây 1 năm.