16:48 07/01/2009

Nga ngừng toàn bộ cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine

Kiều Oanh

Nga đã ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu qua các đường ống dẫn đi qua lãnh thổ Ukraine

Một điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tại Ukraine - Ảnh: AP.
Một điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tại Ukraine - Ảnh: AP.
Hãng khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu qua các đường ống dẫn đi qua lãnh thổ Ukraine, vào lúc 7h44 phút sáng ngày 7/1, theo giờ Kiev (thủ đô Ukraine).

Thông tin này vừa được người phát ngôn của công ty khí đốt nhà nước Ukraine là công ty Naftogaz Ukrainy (NAK) công bố.

Giới quan sát nhận định, động thái này của Gazprom là bằng chứng mới nhất cho thấy tính chất căng thẳng của cuộc chiến quanh vấn đề khí đốt vốn đã trở thành “kinh niên” giữa Nga và Ukraine, đồng thời, cũng làm sứt mẻ uy tín của nước Nga với tư cách một nguồn cung nhiên liệu. Được biết, 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Gazprom sang châu Âu đi qua Ukraine.

Ngay sau khi tuyên bố trên của phía Ukraine được phát đi, phía Nga cũng đã xác nhận việc ngừng cung cấp này.

Tuy nhiên, Nga cho rằng, đây là lỗi của Ukraine, vì Ukraine đã đóng cửa đường ống cuối cùng dẫn khí từ phía Nga. Ngày hôm qua (6/1), giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller, đã tuyên bố: “Nếu Ukraine ngừng hoàn toàn việc trung chuyển khí đốt tới người tiêu dùng ở Trung và Tây Âu, chúng tôi không thấy còn lý do gì để cung cấp khí đốt tới biên giới Ukraine nữa”.

Ngày 6/1, Ukraine đóng cửa 3 đường ống dẫn khí từ Nga, khiến các nước vùng Balkan bị ngừng cung cấp khí đốt. Rồi sau đó, tới ngày 7/1, Ukraine đóng cửa thêm đường ống cuối cùng còn lại.

Hiện một số nước vốn được cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine như Slovakia, Czech và Áo đã lên tiếng xác nhận việc họ không còn nhận được khí đốt chuyển từ Nga tới nữa. Công ty khí đốt SPP của Slovakia cho hay, họ đang phải cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khối lượng lớn. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Slovakia cho biết, nước này có trữ lượng khí đốt khí đốt vào khoảng 2 tỷ mét khối, cung cấp 1/3 lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của nước này.

Trong khi đó, công ty khí đốt RWE Transgas của Czech cho biết, họ vẫn đang cung cấp đủ khí đốt cho người tiêu dùng. Hiện công ty này có lượng dự trữ khí đốt tương tương đương 40 ngày tiêu thụ toàn quốc. Công ty này phải bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga bằng cách dùng tới lượng khí dự trữ và tăng cường sử dụng thêm khí đốt được dẫn từ Nauy.

Mâu thuẫn quanh chuyện khí đốt giữa Nga và Ukraine được xem là một đòn giáng mạnh vào châu Âu ngay giữa những ngày đông tháng giá, với nhiệt độ đang liên tục tụt giảm dưới 0 độ C này. Ít nhất hơn 10 quốc gia ở châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ mâu thuẫn này. Hàng chục ngàn người châu Âu hiện đã không có khí đốt cho việc sưởi ấm, trong khi chính phủ các nước tại châu lục này phải nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Trước ngày 7/1 này, nhiều nước như Bulgaria, Hy Lạp, Macedonia, Romania, Croatia, Serbia, và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã thông báo họ bị ngừng cung cấp khí đốt từ Nga.

Trong khi đó, Pháp, Đức, Áo, Ba Lan, Slovakia và Hungary thông báo lượng khí đốt từ Nga cung cấp cho họ đã giảm mạnh. Hôm qua, tại Anh, giá khí đốt đã tăng tới 27%. Bulgaria và Hungary đã phải cắt giảm khí đốt cung cấp cho các khách hàng công nghiệp và các quốc gia khác, đồng thời tuyên bố nếu cuộc khủng hoảng khí đốt này còn kéo dài, họ sẽ buộc phải cắt giảm lượng cung cấp thêm nữa. Thậm chí Slovakia đã phải công bố tình trạng khẩn cấp vì không được cung cấp khí đốt.

Ngày 1/1 năm nay, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi hai bên không đạt được đồng thuận về vấn đề giá khí đốt cho năm tới. Nga tuyên bố, nước này hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu vì Ukraine đánh cắp khí đốt đi qua nước này. Ukraine thì phàn nàn rằng, tình trạng hao hụt khí đốt hoàn toàn là do lỗi của Nga.

Bắt đầu từ tuần này, Gazprom đã giảm mạnh cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi các đại diện của Gazprom và Naftogaz nhất trí nối lại đàm phán trực tiếp và người đứng đầu Naftogaz cho biết sẽ bay tới Moscow vào ngày thứ Năm.

Đây là lần đầu tiên Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine trong vòng 3 năm trở lại đây. Sau vụ việc tương tự xảy ra vào tháng 1/2006, các nước châu Âu đã đa dạng hóa nguồn nhiên liệu và tăng cường dự trữ.

(Theo Bloomberg, AP, Reuters)