13:24 25/05/2022

Ngăn chặn tình trạng thuốc, vaccine thú y nhập lậu rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Chu Khôi

Nhiều người công khai rao bán công khai nhiều loại thuốc thú y, vaccine nhập lậu trên các trang mạng xã hộ facebook, Zalo... Nông dân mua về tiêm xong, gia súc gia cầm lăn ra chết hàng loạt thì mới “ngã ngửa” ra là hàng lậu, đành phải chấp nhận tiền mất tật mang...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi Công văn số 3209/BNN-TY đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc. 

 VACCINE NHẬP LẬU BÁN TRÀN LAN TRÊN MẠNG

Văn bản được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký vào chiều 24/5/2022, trong đó nhấn mạnh: Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua có tình trạng buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/5/2022.
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/5/2022.

Cục Thú y cho biết thuốc thú y là vật tư đầu vào cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng quản lý kinh doanh thuốc thú y trên thị trường trong thời gian qua đã tạo lỗ hổng để nhiều loại vaccine, thuốc thú y nhập lậu tràn vào Việt Nam. Dẫn đến những hệ lụy khôn lường không chỉ cho ngành chăn nuôi, mà cho cả sức khỏe con người.

Đặc biệt thời gian qua, nhiều người công khai rao bán công khai các loại thuốc thú y, vaccine lậu trên các trang mạng xã hội. Họ đưa lên facebook, kết nối qua Zalo thông qua số điện thoại, nhận hàng thì trả tiền. Nông dân mua về tiêm xong, gia súc gia cầm lăn ra chết hàng loạt thì mới “ngã ngửa” ra là hàng lậu, đành phải chấp nhận tiền mất tật mang,

 
Ngăn chặn tình trạng thuốc, vaccine thú y nhập lậu rao bán tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh 1

Đơn cử như sản phẩm kháng thể rụt mỏ vịt SINDER xuất xứ từ Trung Quốc, mặc dù chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp phép cho nhập khẩu, nhưng sản phẩm này được mua bán tràn lan với số lượng lớn bằng nhiều hình thức (cả trực tiếp và gián tiếp) thông qua các đại lý thuốc thú y, mạng xã hội (youtube, facebook, zalo cũng như các trang thương mại điện tử).

Trên trang cá nhân facebook của một người nickname Q.T, thường xuyên phát trực tiếp video cận cảnh những lọ kháng thể rụt mỏ vịt tên SINDER cùng với loại thuốc dạng bột màu trắng đựng trong thủy tinh để phối trộn và tiêm cho đàn vịt con. Q.T liên tục giới thiệu sản phẩm SINDER là “made in China”, “rụt mỏ Trung Quốc”, thậm chí người này còn chia sẻ cảnh vợ và những người lao động tiêm thuốc cho vịt giống.

Cục Thú y khẳng định, kháng thể rụt mỏ vịt SINDER xuất hiện trên thị trường Việt Nam đều là sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm chứng về chất lượng, vì vậy khuyến cáo nông dân không nên mua, sử dụng.

 

“Nếu người chăn nuôi “mua mù, bán mù, sử dụng mù” các sản phẩm vaccine nhập lậu, chưa được kiểm chứng chất lượng thì sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường. Bởi nếu sử dụng vaccine không phù hợp với các chủng virus đang lưu hành trên thực địa, quá trình trao đổi giữa các gen với nhau sẽ kích thích quá trình đột biến, biến đổi của virus, từ đó tạo ra nhiều phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh. Như vậy công tác phòng chống dịch sẽ ngày càng khó khăn hơn”.

TS Nguyễn Hữu Anh, Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Một người khác tên Tùng có cả một kênh Youtue  “Thú y xóm”, công bố công khai số điện thoại. Người này thường xuyên đưa những clip giới thiệu 3 loại vaccine E.coli - Bại huyết Trung Quốc, và đã bán những vaccine này suốt vài năm qua. Cục Thú y khẳng định, 3 loại vaccine đó chất lượng rất kém, không có hiệu quả phòng bệnh với gia súc gia cầm, nên cơ quan này không cấp phép cho nhập khẩu.

Theo TS Nguyễn Hữu Anh, Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết muốn phòng ngừa và kiểm soát tốt dịch bệnh cúm gia cầm, hàng năm cơ quan thú y phải lấy mẫu bệnh phẩm, phân tích giải trình tự gen xác định chủng virus và giám sát sự lưu hành của virus tại từng địa phương, sau đó khuyến cáo sử dụng các loại vacxin để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Đặc biệt, tất cả các loại vaccine phòng bệnh đều phải được kiểm định, đánh giá chất lượng theo quy trình rất nghiêm ngặt trước khi cấp phép lưu hành.

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Anh, để đảm bảo chất lượng, vacxin thành phẩm phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2 - 8oC. Tuy nhiên, nếu là sản phẩm nhập lậu thì rất khó bảo đảm được trong quá trình vận chuyển đường dài, như vậy vaccine sẽ bị giảm hiệu lực.

"Đặc biệt, đối với các loại vaccine nhược độc nhập lậu thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, bởi chưa có cơ quan nào đánh giá virus đó nhược độc hoàn toàn hay có khả năng phục hồi độc lực trở lại", TS Nguyễn Hữu Anh cảnh báo.

KHẨN TRƯƠNG CHẤM DỨT BUÔN BÁN THUỐC NHẬP LẬU

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

 

“Đề nghị tham mưu thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam”.

Trích Công văn số 3209 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y (vaccine) nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp phát hiện các lô hàng thuốc, vaccine thú y nhập lậu thì phải xử lý tiêu hủy theo quy định...

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc thú y trong Danh mục cấm sử dụng, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, thuốc thú y nhập lậu đặc biệt là vaccine thú y, sử dụng nguyên liệu kháng sinh và các vi phạm khác cần xử lý kiên quyết, triệt để theo quy định gồm: Thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết.