Ngân hàng 2014: Năm gia cố móng nhà
VnEconomy cùng bạn đọc điểm lại 10 điểm nổi bật nhất trong hoạt động ngân hàng một năm qua
Không còn phải gồng mình chống đỡ thanh khoản, xáo trộn của vốn vàng và tỷ giá, năm 2014, hoạt động ngân hàng tập trung hơn cho yêu cầu thiết lập lại các yếu tố nền tảng.
VnEconomy cùng bạn đọc điểm lại 10 điểm nổi bật nhất trong hoạt động ngân hàng một năm qua.
1. “Hẹn giờ” với sở hữu chéo
Việc thiết lập lại các tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống ngân hàng đã có trong năm 2012, trì hoãn năm 2013 và bắt đầu thực thi từ năm 2014. Đó là Thông tư 02 (sau sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 09), “đánh” trực diện vào vấn đề nợ xấu, mà Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh ở giá trị của một bước tiến trong yêu cầu tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Từ tháng 6/2014, một phần của chính sách trên đã bắt đầu áp dụng, và tiến tới thực hiện một cách đầy đủ hơn trong năm 2015. Cùng đó, chính sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm (Quyết định 780) kết thúc, nhưng được chuyển tiếp vào Thông tư 09 và sẽ ngừng hẳn trong năm tới.
Khuôn khổ hoạt động của hệ thống có thêm một điều chỉnh lớn với Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn mới. Đây cũng là một sự thiết lập mới, rộng hơn và ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Một trong những điểm nhấn giá trị của Thông tư 36 là chính thức “hẹn giờ” với tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống. Điều khoản chuyển tiếp của thông tư đặt sẵn thời hạn 12 tháng để bắt buộc các đầu mối liên quan phải xử lý tình trạng sở hữu chồng chéo, tỷ lệ sở hữu lớn dẫn tới khả năng chi phối hoặc thao túng giữa các ngân hàng thương mại.
2. Đổi mới tín dụng nông nghiệp
Dù mới định hình nhưng 2014 là năm đánh dấu những thay đổi lớn trong chính sách tín dụng nông nghiệp, do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, các ngân hàng thương mại tham gia.
Lần đầu tiên bên cho vay đứng ra thiết lập các mô hình cho vay liên kết sản xuất, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Tốc độ triển khai cũng khá nhanh, chỉ sau 5 tháng đã có hơn 4.600 tỷ đồng cam kết giải ngân cho 27 doanh nghiệp tại 22 tỉnh thành. Điểm chú ý của chương trình này là cho vay tín chấp, lãi suất được áp trần thấp hơn hẳn so với thông thường.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xúc tiến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho dòng vốn vào khu vực này.
Đi cùng với chính sách, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đã tăng gần 2,5 lần trong vòng 5 năm qua. Riêng năm 2014, tăng trưởng tín dụng nông nghiệp đến trung tuần tháng 12 đã đạt gần 13%.
3. Nhộn nhịp mua lại công ty tài chính
Một chuyển động mới đã diễn ra, làm thay đổi đáng kể cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Nhiều ngân hàng thương mại mua lại công ty tài chính, như Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) với Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với Công ty Tài chính than - khoáng sản, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) với Công ty Tài chính hóa chất…
Loạt thương vụ này gắn với hướng phát triển chuyên biệt các dịch vụ tài chính cá nhân. Nhưng ở đây có bóng dáng sự thiết lập của Ngân hàng Nhà nước, như một hướng tái cơ cấu nhóm công ty tài chính.
Cụ thể, trong năm, cơ quan này đưa ra một dự thảo, trong đó có yêu cầu: ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn theo các hình thức trên phải thành lập công ty tài chính. Các thương vụ trên được xem như sự đón đầu xu hướng cũng như chính sách mới.
4. Chậm bước tái cơ cấu
Mùa đại hội đồng cổ đông đầu 2014 nóng lên với những phương án, kế hoạch tái cơ cấu mới: Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); ồn ào về thông tin Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) “về với” Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank)…
Cùng thời điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sáp nhập 6-7 ngân hàng trong năm 2014.
Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thêm một sự cụ thể nào từ các phương án, kế hoạch nói trên. Quá trình tái cơ cấu hệ thống tiếp tục chậm lại sau năm dồn dập 2012. Tiến độ này được lý giải từ sự hồi phục của nền kinh tế và chuyển biến trong hoạt động ngân hàng đã tạo nên cơ hội mới để có thể có các kết quả tái cơ cấu tốt hơn dự tính trước đây.
5. Lãi suất tự dưỡng
Sau nhiều năm năm xáo trộn, căng thẳng thanh khoản, nhức nhối vượt trần…, lãi suất ngân hàng mới thực sự tự dưỡng trong năm 2014. Thị trường và các ngân hàng thương mại đã tự chủ động điều chỉnh lãi suất, thay cho sức nặng của các mệnh lệnh hành chính trước đây.
Trong năm, trần lãi suất được áp ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng thực tế hầu hết các nhà băng đã chủ động giảm và rút sâu dưới mức trần. Cùng đó, đường cong lãi suất đã định hình rõ nét, thay vì nhiều năm kẻ thẳng trước đây, giúp các ngân hàng có cơ cấu vốn gắn với các kỳ hạn thuận lợi hơi.
So với cuối năm 2013, cả lãi suất huy động và cho vay đều giảm từ 1,5% - 2%/năm trong năm qua, cùng xuống mức thấp nhất trong khoảng chục năm trở lại đây. Chi phí vay vốn đã thực sự dễ chịu so với nhiều năm trước, nhưng việc vay và cho vay lại không dễ - phản ánh ở tín dụng tăng trưởng chật vật phần lớn thời gian của năm.
Năm qua, Ngân hàng Nhà nước hai lần hạ trần lãi suất tiền gửi và một lần giảm các lãi suất chủ chốt.
6. Kiên quyết không phá giá VND
Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi khép lại một năm không mới trong điều hành tỷ giá. Dù vậy, tỷ giá USD/VND có khá nhiều biến động trái chiều trong năm.
Nửa đầu năm, thị trường ghi nhận xu hướng đi xuống rõ nét của giá USD, gắn với hoạt động mua vào liên tục của Ngân hàng Nhà nước. Có thời điểm nhà điều hành đã phải nâng giá mua vào để chặn đà rơi. Dự trữ ngoại hối theo đó lên mức kỷ lục với hơn 35 tỷ USD.
Nhưng ngay sau đó, nửa cuối tháng 6, thị trường có áp lực điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cũng là lần điều chỉnh duy nhất trong năm.
Áp lực tăng tỷ giá, dù không căng thẳng, tiếp tục thể hiện trong hai tháng cuối năm. Một lần nữa Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp, bán ra hơn 1 tỷ USD để ổn định thị trường.
Khép lại, 2014 là năm thứ ba liên tiếp cam kết ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được giữ vững.
7. Lên điểm tín nhiệm
Một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô và của ngành ngân hàng nói riêng năm 2014 là được các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm. Trong năm, lần lượt Moody’s, Fitch nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam và một loạt các ngân hàng thương mại.
Kết quả trên là nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nỗ lực cải thiện chất lượng, an toàn hoạt động và minh bạch hơn của các ngân hàng thương mại.
Giá trị của việc được nâng hạng tín nhiệm cũng lập tức phản ánh ở thành công vượt mong đợi của đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế đầu tháng 11/2014.
8. Nợ xấu… giảm (?)
Nợ xấu tiếp tục là điểm nóng trong hoạt động ngân hàng 2014, với xu hướng tăng nhanh nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh bắt đầu thực hiện cơ chế phân loại nợ khắt khe hơn từ Thông tư 02/Thông tư 09, nợ xấu lại giảm đáng kể từ đầu quý 3.
Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ tháng 7, 8 và 9/2014, nợ xấu (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) đã giảm từ 4,17% xuống còn 3,9%.
Việc xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu từ nguồn lực của các tổ chức tín dụng, sự tham gia của VAMC. Về tỷ lệ tự xử lý, trong hai năm qua, cả hệ thống đã xử lý được 54% tổng số nợ xấu - một kết quả mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là khả quan.
Năm 2015, Quốc hội đã giao mục tiêu phải giảm được nợ xấu về dưới 3%. Trong khi đó, việc áp dụng đẩy đủ hơn Thông tư 02/Thông tư 09 dự báo sẽ tạo áp lực lớn đối với mục tiêu này.
9. Rủi ro pháp lý chưa dừng lại
Vụ án “bầu” Kiên và nguyên một số lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB), vụ án Huyền Như được đưa ra xét xử trong năm 2014 thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Cũng trong năm nay, lại thêm một số rủi ro pháp lý xẩy ra trong hệ thống ngân hàng. Đó là nguyên một số lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị bắt giữ…
Các sự kiện trên xẩy ra trong năm 2014, nhưng chủ yếu đã có gốc rễ từ năm 2011 trở về trước. Và thị trường đã không có những phản ứng quá tiêu cực, hay hệ thống không gặp nhiều xáo trộn liên quan trong quá trình xử lý.
Ở diễn biến khác, 2014 cũng bộc lộ nhiều rủi ro pháp lý trong quá trình cho vay của các ngân hàng thương mại, khi nhiều vụ việc tranh chấp, lừa đảo trong thế chấp tài sản vẫn chưa thể giải quyết.
10. Vững vàng trước sự cố biển Đông
Tháng 5, 6 và 7/2014, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là sự kiện ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
Cùng đó, một số vụ việc gây rối tại Bình Dương, Hà Tĩnh khiến sự kiện càng nóng…
Thực tế tại thời điểm đó đã có hiện tượng một bộ phận người dân rút tiền gửi ngân hàng, đầu cơ ngoại tệ gây tâm lý bất an nhất định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải tổ chức họp đột xuất với lãnh đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước tác động của sự kiện.
Tuy nhiên, về cơ bản, thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững; thị trường vàng, ngoại tệ không có xáo trộn lớn. Sự kiện biển Đông và phát sinh liên quan theo đó được xem là một phép thử đối với khả năng phòng thủ của hệ thống ngân hàng, cũng như với độ bền của chính sách điều hành.
VnEconomy cùng bạn đọc điểm lại 10 điểm nổi bật nhất trong hoạt động ngân hàng một năm qua.
1. “Hẹn giờ” với sở hữu chéo
Việc thiết lập lại các tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống ngân hàng đã có trong năm 2012, trì hoãn năm 2013 và bắt đầu thực thi từ năm 2014. Đó là Thông tư 02 (sau sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 09), “đánh” trực diện vào vấn đề nợ xấu, mà Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh ở giá trị của một bước tiến trong yêu cầu tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Từ tháng 6/2014, một phần của chính sách trên đã bắt đầu áp dụng, và tiến tới thực hiện một cách đầy đủ hơn trong năm 2015. Cùng đó, chính sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm (Quyết định 780) kết thúc, nhưng được chuyển tiếp vào Thông tư 09 và sẽ ngừng hẳn trong năm tới.
Khuôn khổ hoạt động của hệ thống có thêm một điều chỉnh lớn với Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn mới. Đây cũng là một sự thiết lập mới, rộng hơn và ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Một trong những điểm nhấn giá trị của Thông tư 36 là chính thức “hẹn giờ” với tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống. Điều khoản chuyển tiếp của thông tư đặt sẵn thời hạn 12 tháng để bắt buộc các đầu mối liên quan phải xử lý tình trạng sở hữu chồng chéo, tỷ lệ sở hữu lớn dẫn tới khả năng chi phối hoặc thao túng giữa các ngân hàng thương mại.
2. Đổi mới tín dụng nông nghiệp
Dù mới định hình nhưng 2014 là năm đánh dấu những thay đổi lớn trong chính sách tín dụng nông nghiệp, do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, các ngân hàng thương mại tham gia.
Lần đầu tiên bên cho vay đứng ra thiết lập các mô hình cho vay liên kết sản xuất, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Tốc độ triển khai cũng khá nhanh, chỉ sau 5 tháng đã có hơn 4.600 tỷ đồng cam kết giải ngân cho 27 doanh nghiệp tại 22 tỉnh thành. Điểm chú ý của chương trình này là cho vay tín chấp, lãi suất được áp trần thấp hơn hẳn so với thông thường.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xúc tiến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho dòng vốn vào khu vực này.
Đi cùng với chính sách, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đã tăng gần 2,5 lần trong vòng 5 năm qua. Riêng năm 2014, tăng trưởng tín dụng nông nghiệp đến trung tuần tháng 12 đã đạt gần 13%.
3. Nhộn nhịp mua lại công ty tài chính
Loạt thương vụ này gắn với hướng phát triển chuyên biệt các dịch vụ tài chính cá nhân. Nhưng ở đây có bóng dáng sự thiết lập của Ngân hàng Nhà nước, như một hướng tái cơ cấu nhóm công ty tài chính.
Cụ thể, trong năm, cơ quan này đưa ra một dự thảo, trong đó có yêu cầu: ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn theo các hình thức trên phải thành lập công ty tài chính. Các thương vụ trên được xem như sự đón đầu xu hướng cũng như chính sách mới.
4. Chậm bước tái cơ cấu
Mùa đại hội đồng cổ đông đầu 2014 nóng lên với những phương án, kế hoạch tái cơ cấu mới: Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); ồn ào về thông tin Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) “về với” Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank)…
Cùng thời điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sáp nhập 6-7 ngân hàng trong năm 2014.
Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thêm một sự cụ thể nào từ các phương án, kế hoạch nói trên. Quá trình tái cơ cấu hệ thống tiếp tục chậm lại sau năm dồn dập 2012. Tiến độ này được lý giải từ sự hồi phục của nền kinh tế và chuyển biến trong hoạt động ngân hàng đã tạo nên cơ hội mới để có thể có các kết quả tái cơ cấu tốt hơn dự tính trước đây.
5. Lãi suất tự dưỡng
Sau nhiều năm năm xáo trộn, căng thẳng thanh khoản, nhức nhối vượt trần…, lãi suất ngân hàng mới thực sự tự dưỡng trong năm 2014. Thị trường và các ngân hàng thương mại đã tự chủ động điều chỉnh lãi suất, thay cho sức nặng của các mệnh lệnh hành chính trước đây.
Trong năm, trần lãi suất được áp ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng thực tế hầu hết các nhà băng đã chủ động giảm và rút sâu dưới mức trần. Cùng đó, đường cong lãi suất đã định hình rõ nét, thay vì nhiều năm kẻ thẳng trước đây, giúp các ngân hàng có cơ cấu vốn gắn với các kỳ hạn thuận lợi hơi.
So với cuối năm 2013, cả lãi suất huy động và cho vay đều giảm từ 1,5% - 2%/năm trong năm qua, cùng xuống mức thấp nhất trong khoảng chục năm trở lại đây. Chi phí vay vốn đã thực sự dễ chịu so với nhiều năm trước, nhưng việc vay và cho vay lại không dễ - phản ánh ở tín dụng tăng trưởng chật vật phần lớn thời gian của năm.
Năm qua, Ngân hàng Nhà nước hai lần hạ trần lãi suất tiền gửi và một lần giảm các lãi suất chủ chốt.
6. Kiên quyết không phá giá VND
Đây là quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi khép lại một năm không mới trong điều hành tỷ giá. Dù vậy, tỷ giá USD/VND có khá nhiều biến động trái chiều trong năm.
Nửa đầu năm, thị trường ghi nhận xu hướng đi xuống rõ nét của giá USD, gắn với hoạt động mua vào liên tục của Ngân hàng Nhà nước. Có thời điểm nhà điều hành đã phải nâng giá mua vào để chặn đà rơi. Dự trữ ngoại hối theo đó lên mức kỷ lục với hơn 35 tỷ USD.
Nhưng ngay sau đó, nửa cuối tháng 6, thị trường có áp lực điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cũng là lần điều chỉnh duy nhất trong năm.
Áp lực tăng tỷ giá, dù không căng thẳng, tiếp tục thể hiện trong hai tháng cuối năm. Một lần nữa Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp, bán ra hơn 1 tỷ USD để ổn định thị trường.
Khép lại, 2014 là năm thứ ba liên tiếp cam kết ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được giữ vững.
7. Lên điểm tín nhiệm
Một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô và của ngành ngân hàng nói riêng năm 2014 là được các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm. Trong năm, lần lượt Moody’s, Fitch nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam và một loạt các ngân hàng thương mại.
Kết quả trên là nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nỗ lực cải thiện chất lượng, an toàn hoạt động và minh bạch hơn của các ngân hàng thương mại.
Giá trị của việc được nâng hạng tín nhiệm cũng lập tức phản ánh ở thành công vượt mong đợi của đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế đầu tháng 11/2014.
8. Nợ xấu… giảm (?)
Nợ xấu tiếp tục là điểm nóng trong hoạt động ngân hàng 2014, với xu hướng tăng nhanh nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh bắt đầu thực hiện cơ chế phân loại nợ khắt khe hơn từ Thông tư 02/Thông tư 09, nợ xấu lại giảm đáng kể từ đầu quý 3.
Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ tháng 7, 8 và 9/2014, nợ xấu (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) đã giảm từ 4,17% xuống còn 3,9%.
Việc xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu từ nguồn lực của các tổ chức tín dụng, sự tham gia của VAMC. Về tỷ lệ tự xử lý, trong hai năm qua, cả hệ thống đã xử lý được 54% tổng số nợ xấu - một kết quả mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là khả quan.
Năm 2015, Quốc hội đã giao mục tiêu phải giảm được nợ xấu về dưới 3%. Trong khi đó, việc áp dụng đẩy đủ hơn Thông tư 02/Thông tư 09 dự báo sẽ tạo áp lực lớn đối với mục tiêu này.
9. Rủi ro pháp lý chưa dừng lại
Vụ án “bầu” Kiên và nguyên một số lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB), vụ án Huyền Như được đưa ra xét xử trong năm 2014 thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Cũng trong năm nay, lại thêm một số rủi ro pháp lý xẩy ra trong hệ thống ngân hàng. Đó là nguyên một số lãnh đạo cao cấp tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị bắt giữ…
Các sự kiện trên xẩy ra trong năm 2014, nhưng chủ yếu đã có gốc rễ từ năm 2011 trở về trước. Và thị trường đã không có những phản ứng quá tiêu cực, hay hệ thống không gặp nhiều xáo trộn liên quan trong quá trình xử lý.
Ở diễn biến khác, 2014 cũng bộc lộ nhiều rủi ro pháp lý trong quá trình cho vay của các ngân hàng thương mại, khi nhiều vụ việc tranh chấp, lừa đảo trong thế chấp tài sản vẫn chưa thể giải quyết.
10. Vững vàng trước sự cố biển Đông
Tháng 5, 6 và 7/2014, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là sự kiện ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
Cùng đó, một số vụ việc gây rối tại Bình Dương, Hà Tĩnh khiến sự kiện càng nóng…
Thực tế tại thời điểm đó đã có hiện tượng một bộ phận người dân rút tiền gửi ngân hàng, đầu cơ ngoại tệ gây tâm lý bất an nhất định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải tổ chức họp đột xuất với lãnh đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước tác động của sự kiện.
Tuy nhiên, về cơ bản, thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững; thị trường vàng, ngoại tệ không có xáo trộn lớn. Sự kiện biển Đông và phát sinh liên quan theo đó được xem là một phép thử đối với khả năng phòng thủ của hệ thống ngân hàng, cũng như với độ bền của chính sách điều hành.