06:00 19/11/2021

Ngân hàng luôn là một trong những mục tiêu hấp dẫn của tội phạm mạng

Vũ Phong

Theo thống kê của Công ty an ninh mạng Viettel, trong dịch Covid-19, lượng tấn công lừa đảo khách hàng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ...

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo chuyên đề: "Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng chủ trì, ông Lê Quang Hà, Giám đốc sản phẩm Công ty an ninh mạng Viettel nhận xét, mặc dù ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số nhưng cũng là mục tiêu ưa thích của tội phạm mạng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, dữ liệu của ngân hàng.

Trong đó, hình thức phổ biến nhất là hacker gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo trang web của ngân hàng về tri ân, trúng thưởng... khi khách hàng nhấp vào sẽ mất thông tin, mã OTP và mất tiền trong tài khoản…

Ngoài ra, gần đây kẻ gian bắt đầu sử dụng thiết bị phát sóng giả mạo để gửi tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng, chi phí của thiết bị này rẻ nhưng rất khó phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để.

Theo thống kê của Công ty an ninh mạng Viettel, trong dịch Covid-19, lượng tấn công lừa đảo khách hàng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, kẻ gian tấn công vào tất cả ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế.

“Vì vậy, khi chuyển đổi số cho ngân hàng thì an toàn thông tin cũng phải được chuyển đổi. Mặt khác, quy trình đảm bảo an toàn thông tin ngân hàng cần được thông minh hóa, tự động hóa, luôn đặt ra giả thuyết để săn tìm các nguy cơ một cách chủ động để thời gian phát hiện các nguy cơ càng nhỏ, chi phí xử lý sẽ càng thấp, tối ưu an toàn thông tin cho khách hàng và tăng chi phí cho đối thủ”, ông Lê Quang Hà phân tích.

Còn ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) cho biết, ngành ngân hàng đã có giải pháp eKYC để mở tài khoản nhưng để cấp chữ ký số vẫn yêu cầu phải gặp mặt trực tiếp. Điều này cho thấy quy trình chuyển đổi số chưa được thực hiện 100%. Nếu không làm việc cấp chữ ký số trực tuyến hoàn toàn thì các giai đoạn sau sẽ đều bị gián đoạn.

Bên cạnh khó khăn, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật nhất là việc các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm).

Nhờ vậy, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị); nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực (theo McKinsey).

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, dịch Covid-19 hiện nay và xu hướng chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt là cơ hội lớn để chính phủ Việt Nam thúc đẩy số hóa hình thức thanh toán các dịch vụ công trong 3 lĩnh vực: giải ngân ngân sách, chi ngân sách và thu ngân sách.

Về giải ngân ngân sách, có thể thấy rõ ứng dụng của các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số trong các khoản giải ngân như giải ngân các lợi ích xã hội, lợi ích y tế, trợ cấp có điều kiện, cứu trợ thiên tai, hưu trí và an sinh xã hội, hoàn thuế thu nhập, chi trả học bổng, trả lương cho người lao động...

Về chi ngân sách, một số lĩnh vực có thể ứng dụng thanh toán số bao gồm: hoàn thuế, mua sắm công, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, trợ cấp doanh nghiệp và người dân khác…

Về thu ngân sách, một số lĩnh vực có thể ứng dụng thanh toán số có thể kể đến thanh toán thuế, phí thực hiện dịch vụ công…

Việc thúc đẩy số hóa hình thức thanh toán các dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích lớn cho Chính phủ thông qua tiết kiệm chi phí, tăng tính minh bạch và tính tuân thủ mà còn có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.

Từ phía doanh nghiệp, việc ứng dụng thanh toán số hợp nhất trong phương thức thanh toán các dịch vụ công góp phần giảm thiểu chi phí thanh toán dịch vụ công, tăng tính hiệu quả và bảo mật, đảm bảo tính kiểm soát và tính dễ dự đoán của dòng tiền.

Từ phía người dân, lợi ích đến từ khả năng tiếp cận nguồn tài chính nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật.