Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm tiền hỗ trợ thanh khoản mùa cao điểm
Hiện tại, mức bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ dừng ở mức vài nghìn tỷ đồng mỗi phiên, trong khi cùng kỳ năm ngoái quy mô bơm có phiên lên tới gần 15.000 tỷ đồng...
Dữ liệu trong tuần trước (17/1-21/1) cho biết kênh bơm tiền trên kênh cầm cố của thị trường (OMO) đã được sử dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước bơm 1,1 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Sang đến phiên đầu tuần này, nhà điều hành tiếp tục chào thầu 10.000 tỷ đồng. Và có 3 tổ chức tín dụng đã tiếp cận 2.937,43 tỷ đồng, qua đó đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 4.002, 32 tỷ đồng.
Vào thời điểm này năm ngoái, có những phiên, Ngân hàng Nhà nước phải bơm ròng với quy mô lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Thậm chí, cách đây 2 năm, lượng tiền hỗ trợ thanh khoản có phiên liên tới 30.000 tỷ đồng.
Thêm một điểm đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng thường được coi là thước đo của thanh khoản hệ thống. Nếu lãi suất tăng thì thanh khoản đang căng thẳng. Ngược lại, nếu lãi suất giảm biểu hiện tiền trong hệ thống ở trạng thái dồi dào.
Hiện tại, mặc dù mùa cao điểm đã đến nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng chưa có quá nhiều biến động, kỳ hạn qua đêm thấp hơn rất nhiều so với mức 2,2-2,5% của cùng kỳ năm ngoái. Chốt ngày 24/1/2022, các mức lãi suất giao dịch tại: qua đêm 1,40%; 1 tuần 1,98%; 2 tuần 2,23% và 1 tháng 2,33%.
Nhìn chung, trong bối cảnh tuần cận Tết như hiện nay, với mức độ bơm ròng cùng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng thấp cho thấy, áp lực thanh khoản hệ thống vẫn chưa lớn.
Tại một diễn biến khác, trên thị trường một, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tăng 0,1 – 0,5 điểm phần trăm đối với biểu lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.
Các chương trình khuyến mại cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online cao hơn khoảng 0,2 – 0,3 điểm cơ bản so với kênh gửi tiền truyền thống.
Theo đó, giới chuyên môn nhận định, hệ thống ngân hàng đã chủ động nguồn và thanh khoản tốt hơn năm ngoái, chi phí lãi suất “vay nóng” dự kiến được giảm thiểu đáng kể.
Quay lại với dữ liệu tuần trước nhưng ở trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 7,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ đăng ký và trúng thầu tăng nhẹ so với tuần trước, ở mức 2,3 lần và 83%. Trái phiếu các kỳ hạn ngắn không được gọi thầu, trong khi trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu. Lợi suất trúng thầu hầu như không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó, dao động từ 2,08% đến 2,96% cho các kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm.
Còn lợi tức trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,51%, giảm 0,03 điểm phần trăm); 3 năm (0,71%; giảm 0,06 điểm phần trăm); 5 năm (0,93%, không đổi); 10 năm (2,09%, giảm 0,01 điểm phần trăm); 15 năm (2,38%; giảm 0,01 điểm phần trăm); 20 năm (2,79%, không đổi); 30 năm (2,96%, giảm 0,01 điểm phần trăm). Giá trị giao dịch trung bình ngày tăng 33,9% lên 16,7 nghìn tỷ đồng/ngày.
Theo Công ty Chứng khoán SSI ước tính, nhu cầu tài trợ vốn chính phủ năm 2022 (không bao gồm gói hỗ trợ kinh tế) dự kiến vào khoảng 410 nghìn tỷ đồng để đáp ứng 372 nghìn tỷ đồng tài trợ thâm hụt ngân sách và 40 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đáo hạn.
“Do đó, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung trái phiếu Chính phủ sẽ cao hơn vào năm 2022 và lợi suất sẽ tăng nhẹ từ mức thấp như hiện tại”, nhóm nghiên cứu tại SSI nêu quan điểm.