10:00 16/08/2021

Ngân hàng phân phối trái phiếu: Rủi ro vẫn nằm ở phía nhà đầu tư

Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã đề cập đến vai trò của các ngân hàng trong thị trường này...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, số liệu báo cáo cho thấy, về cơ cấu mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Nhưng, không thể khẳng định được lượng trái phiếu này chỉ nằm yên ổn trong túi công ty chứng khoán và ngân hàng.

Tại Mỹ, hệ thống ngân hàng chia làm hai phân khúc gồm ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong đó, chỉ có ngân hàng đầu tư mới được phép hỗ trợ phát hành trái phiếu. Trái lại, tại Việt Nam, các ngân hàng rất đa chức năng, đồng thời vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư.

Thời gian qua, sự hỗ trợ của các ngân hàng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Họ hỗ trợ về kỹ thuật để các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành. Sau đó, ngân hàng còn hỗ trợ phân phối lượng trái phiếu đó. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch bệnh, lượng trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng rất mạnh.

Hiện người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.

Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.

"Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ", vị chuyên gia đánh giá.

Ngoài ra, chuyên gia này con cho rằng, lượng trái phiếu đang hiện hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường. Trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Thậm chí, khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… gần cuối cùng mới đến người mua trái phiếu. 

"Nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Kinh doanh, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng trái phiếu doanh nghiệp không phải hướng duy nhất của các doanh nghiệp đang muốn huy động vốn hiện nay.

Ông Tuấn Anh lý giải, công ty chứng khoán có hai vai trò trong thị trường trái phiếu. Thứ nhất là tư vấn cho doanh nghiệp để phát hành thành công. Thứ hai, phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư.

"Trong đó, với vai trò tư vấn, chúng tôi rất cần “may đo” theo đúng đề bài mà doanh nghiệp mong muốn phát hành. Đầu tiên chúng tôi phải xét đến các yếu tố như sức khỏe tài chính, tài sản đảm bảo, khả năng tiếp cận vốn tín dụng… Từ đó giải pháp tài chính tổng thể sẽ được đưa ra và trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một giải pháp nằm trong đó", ông Tuấn Anh nói.

Vị giám đốc kinh doanh lấy ví dụ, với một công ty đầu tư hạ tầng, dự án thường kéo dài từ 10-15 năm thì hoàn toàn có thể vay vốn ngoại tệ. Chúng tôi có nhiều định chế tài chính linh hoạt, cả trong và ngoài nước. Họ chuyên về đầu tư phát triển hạ tầng và sẵn sàng cho vay. Và phương án này sẽ hỗ trợ một phần nhu cầu vốn, thay vì đổ dồn gánh nặng vào trái phiếu doanh nghiệp.

Sau đó, phần phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi sẽ giúp họ phân phối. Đối tượng chúng tôi nhắm đến là những người, tổ chức có nhu cầu đầu tư dài hạn như doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đã nắm rõ khả năng tài chính của công ty phát hành trái phiếu…

Hoặc, với công ty công nghệ, có thể chúng tôi sẽ giúp họ phát hành trái phiếu trước sau đó mới vay vốn từ nước ngoài. Việc phát hành trái phiếu dù nhỏ nhưng nhằm khẳng định rằng họ có đầy đủ khả năng huy động được nguồn vốn trong nước. Đây là bước đêm rất quan trọng cho doanh nghiệp huy động muốn tiếp cận vốn nước ngoài.

Đồng thời, ông Tuấn Anh cũng không quên lưu ý, nghiệp vụ phân phối sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán hay ngân hàng chỉ là hoạt động bình thường và đều tuân thủ các quy định hiện hành.