13:58 18/12/2008

Ngành giày da lo lắng

Ái Vân

Các doanh nghiệp giày da Việt Nam đang “thấp thỏm” trông chờ quyết định của Ủy ban Châu Âu (EC)

Có thể nói, mấy năm nay ngành da giày Việt Nam đang gặp “hạn”.
Có thể nói, mấy năm nay ngành da giày Việt Nam đang gặp “hạn”.
Các doanh nghiệp giày da Việt Nam đang “thấp thỏm” trông chờ quyết định của Ủy ban Châu Âu (EC).

Quyết định này sẽ được đưa ra sau cuộc rà soát cuối kì của EC, theo đó sẽ tiếp tục gia hạn hay dừng thuế chống phá giá đối với các sản phẩm giày da Việt Nam.

Tác động đến toàn ngành

Ngày 31/10/2008, EC chính thức công bố việc khởi kiện rà soát cuối kỳ đối với vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam.

Tiếp đó, 80 doanh nghiệp đã tham gia trả lời phiếu câu hỏi điều tra của EC và 3 doanh nghiệp được lựa chọn để lấy mẫu cho cuộc rà soát cũng đã được thống nhất. Theo lịch trình, trong tháng 1/2009 Uỷ ban kiểm tra của EC sẽ đến làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày Việt Nam, chiếm tỉ trọng từ 54-55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, tuy nhiên tỉ trọng này đã giảm so với 60-80% của các  năm trước.

Vụ ngành giày Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tác động không chỉ trên thị trường các nước EU mà đối với cả những thị trường khác. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô, đặc biệt nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, yếu thế đành phải đóng cửa; nhiều lao động mất việc làm.

Có thể nói, mấy năm nay ngành da giày Việt Nam đang gặp “hạn”. Sau cuộc khởi kiện chống bán phá giá lên giày mũ da từ phía EU lần đầu tiên. Tiếp đó, Mexico cũng dự kiến định khởi kiện giày mũ da Việt Nam. Tuy nhiên, do họ gặp khó khăn về công tác tập hợp số liệu, đồng thời phía Việt Nam khi được cảnh báo cũng đã có những họat động phòng ngừa như tiến hành đàm phán song phương,  vì vậy vụ kiện đã không xảy ra.

Cần chuẩn bị thông tin kĩ càng

Theo bà Tòng, các doanh nghiệp giày da hiện chưa quan tâm nhiều đến việc khai báo thủ tục hải quan, khi cứ kê khai theo kiểu đối tác bảo ghi thông số bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu.

Do đó, khi xảy ra khởi kiện, việc tính toán chi phí đầu vào cộng với chi phí sản xuất bị “đội” lên cao rất nhiều so với tổng giá trị đầu ra (kim ngạch xuất khẩu) của hàng hóa. Đó là lí do để phía khởi kiện quy kết doanh nghiệp bán phá giá.

Vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện công tác kê khai phù hợp, như vậy sẽ giúp cho việc tập hợp thông tin của ngành được dễ dàng hơn, chứng minh được tình hình sản xuất của ngay đơn vị mình.

Thời gian qua, phía Việt Nam vì không có số liệu thống kê nên đã phải sử dụng số liệu của bên khởi kiện EU, vì vậy ngành da giày Việt Nam không có thông số để chứng minh cho sự trong sạch cho mình, bà Tòng cho biết.

Tới đây ngành giày da Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn. Bà Tòng cho biết thêm, từ 1/1/2009, giày da Việt Nam không còn được hưởng mức thuế suất ưu đãi thuế quan (GSP) là 5% trong 3 năm tới, vì vậy ngoài thuế bán phá giá sẽ phải chịu mức thuế bình thường.