12:42 09/01/2025

Ngành thời trang 2025: Con người hơn hay công nghệ hơn?

Minh Nguyệt

Sự hào hứng với công nghệ thời đại dịch của ngành thời trang đã qua và người tiêu dùng cùng các thương hiệu một lần nữa sẵn sàng cho sự tiếp xúc trực tiếp với con người. AI tạo sinh ngày càng phổ biến và ngân sách đang thu hẹp đã tạo ra mâu thuẫn sâu sắc trong năm 2025...

Ảnh: Retail Days
Ảnh: Retail Days

Các dự án công nghệ thời trang giờ đây sẽ tập trung vào việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Đó có thể là việc cá nhân hóa ở quy mô lớn, quản lý tự động và các phím tắt kỹ thuật số để tiếp thị hàng hóa vật lý.

Người tiêu dùng tận hưởng nhiều thời lượng sử dụng màn hình hơn, nhưng họ sẽ phản đối các sản phẩm và trải nghiệm chỉ có kỹ thuật số. Thay vào đó, những phương án hợp nhất giữa kỹ thuật số và vật lý có thể được hoan nghênh hơn.

AI SẼ NGÀY CÀNG THỰC TẾ HƠN

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh đã được ca ngợi vì có thể phản hồi các tin nhắn chả khác gì con người, dẫn đến một loạt các công cụ chatbot nhằm mô phỏng vai trò của nhân viên bán hàng để gợi ý sản phẩm và trả lời các thắc mắc.

Trong năm 2025, các thương hiệu sẽ nâng tầm các chatbot này bằng cách cải thiện những thử nghiệm ban đầu, sử dụng công nghệ từ những gã khổng lồ như OpenAI, Salesforce, Shopify và Google — hoặc một loạt các công ty khởi nghiệp — được thiết kế riêng cho thời trang, làm đẹp và bán lẻ.

Giám đốc sản phẩm và công nghệ của Stitch Fix, Tony Bacos dự đoán rằng AI tạo sinh sẽ phát triển từ "một sự mới lạ và tò mò thành giải pháp có tác động và hữu ích ngay lập tức" đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Các ứng dụng như vậy bao gồm hình ảnh hóa sản phẩm và thử đồ ảo, các mô hình ngôn ngữ lớn thông minh hơn cho dịch vụ khách hàng và các công cụ AI "giúp người tiêu dùng nhận được lượng thông tin khổng lồ mà không cần phải thao tác nhiều bước".

Những phương án hợp nhất giữa kỹ thuật số và vật lý có thể được hoan nghênh trong năm 2025.
Những phương án hợp nhất giữa kỹ thuật số và vật lý có thể được hoan nghênh trong năm 2025.

Theo Vogue Business, “giúp mọi người tìm thấy thứ gì đó để mua” sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà bán lẻ hiện tại, các công ty công nghệ lớn và các công ty khởi nghiệp mới.

Ông Peter Curran, Tổng giám đốc thương mại tại Coveo, công ty thiết kế công cụ tìm kiếm dựa trên AI, cho biết: "Các doanh nghiệp hiện mong đợi những lợi ích rõ ràng, có thể đo lường được từ các khoản đầu tư AI tạo sinh của họ. Vào năm 2025, chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự chuyển dịch quyết định sang các ứng dụng thực tế thúc đẩy kết quả kinh doanh thực sự".

Ông Curran nói thêm rằng người tiêu dùng sẽ mong đợi nhiều trải nghiệm mua sắm "giống con người" hơn và năm 2025 sẽ chứng kiến ​​sự bùng nổ của các chatbot, trợ lý giọng nói và các đề xuất khác dựa trên AI được cá nhân hóa cho từng người mua sắm.

AI tạo sinh cũng có thể cho phép các tùy chọn thử đồ ảo tiên tiến hơn thông qua gương thông minh trong cửa hàng hoặc thương mại điện tử. Nhiều thương hiệu táo bạo hơn có thể thử nghiệm đồng sáng tạo, cho phép khách hàng cá nhân hóa và hình dung sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất, ví dụ như thương hiệu đồ lót Adore Me thuộc sở hữu của Victoria's Secret.

Mặc dù các công cụ này nhằm mục đích giúp việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với các nhà bán lẻ có nhiều loại sản phẩm, nhưng khách hàng vốn đã quen với mạng lưới thương mại điện tử truyền thống giờ đây sẽ phải vật lộn để thao tác.

Matt Maher, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tư vấn công nghệ thời trang M7 Innovations, cho biết: "Đối với số đông người tiêu dùng, những tính năng hiện đại mới thú vị nhưng vẫn sẽ khiến họ nhớ lại những nhân viên bán hàng có thể chọn màu áo giúp bạn bằng cách nhìn màu da…”

Có lẽ vì vậy, nhiều thương hiệu truyền thống chú trọng vào trải nghiệm người dùng, như Estée Lauder Companies và LVMH, sẽ chỉ tiếp tục ưu tiên AI trong hậu trường, để giúp dự đoán hành vi mua hàng, tạo nguyên mẫu cho các phong cách mới và tạo ra các chiến dịch tiếp thị.

Ngành thời trang 2025: Con người hơn hay công nghệ hơn? - Ảnh 1

CON NGƯỜI BUỘC PHẢI TĂNG TỐC

Thực tế, trong vòng 3 năm qua, các thương hiệu hàng xa xỉ đã đầu tư hơn 360 triệu USD vào AI. Báo cáo mới đây của GlobalData, cho biết: "Ngay cả ngành hàng xa xỉ, vốn phát triển mạnh nhờ vào sự quan tâm cá nhân, cũng đang chuẩn bị tận dụng AI". Theo nền tảng Technology Foresights, ngành hàng xa xỉ đã thúc đẩy đáng kể các khoản đầu tư vào AI trong ba năm qua, tăng đáng kể 79% so với các giai đoạn trước.

Nhấn mạnh sự tập trung của ngành hàng xa xỉ vào tính cá nhân hoá, Giám đốc thực hành Sản phẩm đổi mới tại GlobalData, ông Sourabh Nyalkalkar, cho rằng “những đổi mới này, chẳng hạn như hệ thống đề xuất mỹ phẩm hỗ trợ AI và các công cụ đo cơ thể, nhằm mục đích tăng cường tính cá nhân trong các sản phẩm của họ. Chẳng hạn như các công cụ đo cơ thể dựa trên AI xác định loại cơ thể của người dùng theo cách ít phải tiếp xúc nhất mà vẫn đảm bảo sản phẩm phù hợp nhất".

Mới đây, Burberry đã giới thiệu tính năng thử đồ ảo được hỗ trợ bởi AI và công nghệ mô phỏng 3D, cho phép khách có thể hình dung chính xác món thời trang khi mặc lên người sẽ như thế nào. Trong khi đó, Chanel được biết cũng đang thực hiện đầu tư rất nhiều vào việc phát triển công cụ AI nhằm mục đích cung cấp trải nghiệm dùng thử các sản phẩm làm đẹp cho khách, giúp họ lựa chọn sản phẩm phù hợp với da của mình chỉ qua một vài bước mô phỏng.

Tuy nhiên, đi kèm với những viễn cảnh tươi sáng mà AI đang phác hoạ nên, những trăn trở xoay quanh tương lai của thị trường lao động thời trang cũng được đặt lên bàn cân. Chắc chắn, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ phần nào giảm tải đi phần việc do con người đảm trách, từ đó gián tiếp loại bỏ một số vị trí công việc hiện hành trong ngành.

Trong vòng 3 năm qua, các thương hiệu hàng xa xỉ đã đầu tư hơn 360 triệu USD vào AI.
Trong vòng 3 năm qua, các thương hiệu hàng xa xỉ đã đầu tư hơn 360 triệu USD vào AI.

Ngoài ra, câu hỏi về việc sử dụng AI liệu có dẫn đến việc hao mòn động lực và khả năng sáng tạo chân thực của con người? Liệu việc dựa vào công nghệ AI ngày một lớn có làm đánh mất đi cảm xúc trên các sản phẩm thời trang, hay dấu ấn rất riêng mà chỉ có những nghệ sĩ “con người” mới có thể truyền tải đến khách hàng “con người”? 

Ngoài ra, để khai thác tối đa hiệu quả của AI, thu thập thông tin khách hàng ở mức độ chi tiết nhất dường như là một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Khi công nghệ càng tinh vi, quá trình thu thập này sẽ diễn ra càng triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bảo mật thông tin khách hàng của các thương hiệu.

Nguy cơ này có thể tác động rất lớn đến niềm tin của khách hàng dành cho các thương hiệu thời trang khi họ không còn cảm thấy an toàn, hay đơn giản là được giữ bí mật, với sở thích mua sắm những món đồ hàng hiệu cực kỳ đắt tiền. 

Dù vậy, khác với những trào lưu công nghệ “sớm nở tối tàn” như metaverse hay NFT, AI đang dần chứng minh được tiềm lực thực tế đáng cân nhắc của mình qua những ứng dụng hiệu quả ngày một cao cho ngành thời trang xa xỉ. Sự hiện diện của AI trong nhiều lĩnh vực không chỉ giúp thương hiệu tối ưu hiệu quả công việc nội bộ mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm sử dụng của khách hàng.

Sự thay đổi này là tiền đề rất lớn cho một tương lai hoàn toàn mới của ngành công nghiệp thời trang cũng như cách nhìn nhận về thị trường, tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển sản phẩm của các thương hiệu. Bước qua một giai đoạn đổi mới mang tính cột mốc như này, ý chí quyết tâm tự nâng cấp năng lực bản thân sẽ là hành trang cực kỳ quan trọng cho những con người đang làm việc trong ngành này.