10:40 13/06/2017

Nghị quyết xử lý nợ xấu: Nhiều câu hỏi cần giải đáp

Nguyên Vũ

Nợ xấu ở mức bình thường thì có cần thiết phải áp dụng nội dung của nghị quyết này không?

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh nghị quyết xử lý nợ xấu là một nghị quyết rất đặc biệt của Quốc hội, để xử lý tình trạng cũng rất đặc biệt.<br>
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh nghị quyết xử lý nợ xấu là một nghị quyết rất đặc biệt của Quốc hội, để xử lý tình trạng cũng rất đặc biệt.<br>
Trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động đầu tư của ngân hàng chứ không phải là hoạt động tín dụng, vậy nợ phát sinh không trả được của trái phiếu doanh nghiệp thì có phải nợ xấu tín dụng hay không?

Đây là vấn đề được đại biểu Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) đặt ra tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tại Quốc hội, chiều 12/6.

Dù đây đã là thảo luận vòng hai, song cũng còn không ít băn khoăn về quy định cụ thể tại nghị quyết này.

Theo đại biểu Thanh thì cần phân biệt rạch ròi hơn giữa tín dụng và đầu tư của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh trái phiếu như nói trên thì ông Thanh nêu ví dụ, việc cho thuê tài chính cũng là một dạng đầu tư chứ không phải hoạt động tín dụng.

Ông Thanh cũng bày tỏ quan điểm về một nội dung còn nhiều băn khoăn tại điều 4 của dự thảo nghị quyết, liên quan đến hai phương án xử lý nợ xấu. Một là xử lý nợ xấu cho đến hết thời hạn 5 năm sau nữa từ ngày nghị quyết này ban hành. Hai là giới hạn nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2016.

Ông Thanh cho rằng, nếu giải quyết theo phương án hai là đến 31/12/2016, thì chỉ giải quyết được 300.000 tỷ như Thống đốc đã giải trình khi thảo luận vòng 1, thế thì không đạt mục tiêu.

Song nếu giải quyết 5 năm theo thời gian tồn tại của nghị quyết thì giải quyết được đồng bộ về chính sách, nhưng khoản tiền dự kiến lại bất định, tức 600.000 tỷ (nợ xấu hiện tại) cộng thêm một khoản không xác định được là bao nhiêu, thế thì cũng “nguy hiểm”.

Nguy hiểm hơn, theo ông, là hàng vạn cán bộ tín dụng không kiểm soát hết được, có thể có tình trạng lợi dụng thì lúc đó, mất cán bộ, mất tiền thêm.

Do vậy, ông Thanh đề xuất phương án giải quyết cơ bản 600.000 tỷ về mặt thời gian là 31/12/2017.

Cũng liên quan đến thời hạn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh, xử lý phải có thời hạn, không để các tổ chức tín dụng ỷ lại, thiếu trách nhiệm trong hoạt động tín dụng.

Quan điểm của đại biểu Hàm là, nợ xấu trước 31/12/2016 mới được xử lý theo nghị quyết này, nợ xấu phát sinh sau đó sẽ xử lý theo pháp luật hiện hành.

Còn nếu pháp luật hiện hành bất cập thì sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (đã có ý kiến tại kỳ họp này và thông qua vào kỳ họp sau, tháng 10/2017) vẫn đảm bảo đồng bộ và không trống pháp lý trong xử lý nợ xấu, có chăng là chỉ chậm trễ xử lý một số khoản nợ xấu phát sinh từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2017 và cũng chỉ trễ 10 tháng, nhưng vẫn được áp dụng các quy định hiện hành. Khi đã ban hành được luật mới thì lại tiếp tục áp dụng để xử lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) - người hiện là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh, nghị quyết xử lý nợ xấu là một nghị quyết rất đặc biệt của Quốc hội, để xử lý tình trạng cũng rất đặc biệt.

Tình trạng đặc biệt trước đây là việc cho vay trong điều kiện kinh tế thế giới rất khó khăn, trong nước cũng như vậy, bị tác động ảnh hưởng rất nhiều, do vậy nợ xấu tăng nhanh với tỷ rất cao, trên 10%.

“Tình hình đó có phải là tình hình đặc biệt cần phải xử lý tiếp tục không? Đó là một câu hỏi, chúng tôi mong muốn có lời giải đáp”, đại biểu Toàn phát biểu.

“Khi áp dụng nghị quyết để xử lý nợ xấu trong tương lai, tức là chúng ta chưa biết trong điều kiện ổn định này, tương lai nợ xấu như thế nào mà áp dụng tình hình đặc biệt để xử lý, như thế là không khuyến khích các ngân hàng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tín dụng để giảm nợ xấu xuống”.

Sau nhận định trên, vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặt ra các câu hỏi khác.

Nợ xấu bao giờ cũng có, nếu nợ xấu ở dưới mức 3% thì chúng ta có phải xử lý không? Nếu ngân hàng quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng thì nợ xấu ở mức bình thường. Bình thường thì có cần thiết phải áp dụng nội dung của nghị quyết này không?

Theo chương trình kỳ họp thứ ba, nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được xem xét thông qua vào phiên bế mạc, sáng 21/6.