Ngôi nhà “xoay” đáng sống ở Đà Nẵng
Gia đình hai thế hệ mong muốn một cuộc sống tĩnh lặng và có không gian tự do cho con trẻ, do đó đòi hỏi một phương án thiết kế hợp phong thủy, riêng tư mà vẫn thông thoáng…
Căn nhà 3 tầng trên mảnh đất 300 m² nằm trong một khu đô thị mới ở TP Đà Nẵng. Hiện trạng xây dựng trước khi cải tạo là nhà ở nội khu chủ yếu lùi từ biên dọc 1m - 2m để mở cửa sổ bên, dẫn đến khoảng đệm giữa hai công trình liền kề chưa đảm bảo sự riêng tư khi sử dụng.
Lấy cảm hứng từ bố cục nhiều tầng của những ngôi nhà truyền thống Hội An, các kiến trúc sư của AD+studio đã quyết định đưa phương án xoay 45 độ vào thiết kế. Điều này không chỉ giảm tính chất song song giữa cạnh biên khối kiến trúc và ranh đất mà còn mang lại sự đan xen hấp dẫn giữa không gian đặc và rỗng.
Từ trước đến nay, một trong những phần thường bị điều chỉnh, đập phá khi xây nhà là kích thước cửa, khoảng giếng trời, lỗ trống cầu thang… gọi chung là những khoảng đặc – rỗng liên quan đến trong – ngoài của ngôi nhà. Nguyên do nằm ở việc xác lập từ đầu các mối tương quan, tỷ lệ giữa các phần đặc – rỗng để có được phân bố theo chính phụ, có ưu tiên, chứ không phải là chia đều. Ngoài ra, tương quan đặc – rỗng mỗi ngôi nhà còn phụ thuộc vào tác động của ngoại cảnh.
Ví dụ, nhà nằm ở vùng nông thôn, nhà vườn, biệt thự… có cây xanh bao bọc thì những hướng khí hậu tốt nên làm phần rỗng nhiều hơn đặc để thiên nhiên tràn vào nội thất. Gọi là rỗng nhưng thực ra vẫn có khoảng đệm (như hàng hiên, mái vươn xa…) để giảm bớt tác động trực tiếp của tự nhiên (mưa tạt, gió lùa, nắng xiên). Ở nước ta, những ngôi nhà xoay về hướng Tây chịu nắng khá gay gắt nên phải che chắn nhiều hơn, nhưng không hẳn là kín mít mà vẫn phải xen kẽ đặc – rỗng, có khối lồi lõm, có lam che chắn để xử lý linh hoạt.
Thấu hiểu điều đó, AD+studio tận dụng toàn bộ chiều rộng của khu đất, mở ra cảnh quan bên trong; đồng thời, khu đất được chia thành 5 phần theo chiều dọc: hai không gian sống đan xen với ba khu vườn, tất cả được kết nối bởi “khối nhà nối”. Hướng bất ngờ, cùng với không gian đan xen - vững chắc bên trong và khoảng trống bên ngoài đã làm tăng chiều sâu của công trình. Việc này cũng tạo thành một đường thông gió tích cực trên tổng thể.
Việc xoay cạnh ngôi nhà còn giải quyết vấn đề phong thủy, đưa góc nhọn của ngôi nhà vào giao lộ để hóa giải đường nội bộ hướng ra mặt tiền phía sau. Theo quan điểm phong thủy, ngôi nhà có con đường thẳng hướng vào mặt tiền, đặc biệt là khi nằm ở ngã ba đường, được coi là không mang lại tài khí may mắn. Một trong những giải pháp hiệu quả là đổi vị trí cửa chính của ngôi nhà. Mở cửa chính ở hướng khác, sẽ làm thay đổi hướng lưu thông mà mang lại dòng khí tích cực cho ngôi nhà.
Nhà Xoay bao gồm 2 tầng. Tầng trệt được dành cho hoạt động chơi và học của trẻ, tạo ra một sân chơi rộng lớn kết nối giữa hai sân vườn. Các chức năng khác như góc làm việc của cha và góc bếp của mẹ, được tiết giảm diện tích, giữ cho hoạt động của trẻ luôn trong tầm mắt.
Tầng lầu xoay 180 độ so với tầng trệt, tạo ra một không gian khép kín quanh sân trong, nơi tập trung toàn bộ tầm nhìn và cảnh quan. Cùng với hệ thống mái ngói của người Hội An bản địa, ngôi nhà thích nghi tốt với khí hậu địa phương và nhấn mạnh sự chuyển đổi đáng ngạc nhiên từ ngoại cảnh hiện đại sang bầu không khí thân mật ấm cúng của nội thất bên trong.
Có thể nói, “nhà xoay” là một công trình không lớn nhưng là chứa đựng những tâm huyết của gia chủ và nhóm thiết kế. Với những khoảng đặc - rỗng đan xen cùng màu sắc hài hòa, mảng xanh điểm xuyết trong không gian, công trình là tổ ấm bình yên hướng nội để các thành viên có thể trở về sau một ngày làm việc và học tập căng thẳng.