10:13 11/11/2021

Người lao động "sợ" nhất là trở lại làm việc rồi lại có dịch, phải về nhà

Phúc Minh

Tâm lý người lao động sợ nhất là quay trở lại làm việc rồi lại có dịch, bị phong tỏa, họ lại phải tìm cách đối phó và trở về nhà...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong phiên chất vấn đầu giờ sáng 11/11.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong phiên chất vấn đầu giờ sáng 11/11.

Sáng 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có phần giải đáp thêm về những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm. Đặc biệt là câu chuyện người lao động từ một số địa bàn các tỉnh phía Nam trở về quê thời gian qua.

DỊCH BỆNH ĐÃ BỘC LỘ NHIỀU VẤN ĐỀ TỒN TẠI TỪ RẤT LÂU

Theo Phó Thủ tướng, đợt dịch lần thứ tư đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu như: nhà ở của công nhân, phúc lợi, lao động nhập cư, đào tạo nghề…, và tới đây câu chuyện này sẽ cần bàn bạc kỹ để có hướng giải quyết. Với số lượng khoảng 1,3 triệu người đã dịch chuyển từ thành phố về quê, theo Phó Thủ tướng, là cần xem xét gồm những đối tượng nào, nằm ở khu vực nào.

Đối với người lao động có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định và dài hạn, làm việc tại các khu công nghiệp lớn, khu chế xuất thì cơ bản số này trong đợt dịch vừa qua ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn được trả một phần lương khi nghỉ dịch nên việc trở lại tương đối tốt. Những người chưa muốn quay lại phần nhiều do chưa muốn chuyển dịch lao động như điều kiện bình thường.

Với nhóm lao động cũng là công nhân song làm việc trong các xí nghiệp nhỏ, công trường, không dài hạn và có tính thời vụ, lý do dịch chuyển có thể vì người sử dụng lao động không có cam kết dài hạn, và họ cũng không biết bao giờ được quay trở lại.

Bên cạnh đó, số lao động tự do, nhất là ở TP. HCM và các tỉnh miền Nam là rất lớn, chủ yếu làm việc ở các hộ gia đình nhỏ, thậm chí tự làm, thêm nữa còn các đối tượng đi theo như người trông con, cháu… nên rất khó để nắm bắt.

Để giải quyết vấn đề này, theo Phó Thủ tướng có 2 vấn đề lớn, trong đó “bất di bất dịch” là phải kiểm soát dịch thật tốt, bởi lẽ tâm lý người lao động sợ nhất là quay lại làm rồi lại dịch, lại phong tỏa, lại phải tìm cách đối phó và trở về nhà. Vấn đề khác là phải mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ học ở các cấp này, điều đó không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề cho lao động.

Tuy nhiên, về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài hỗ trợ về đi lại, nhà trọ, người lao động cần được chăm sóc căn cơ hơn, nếu dịch có trở lại thì họ vẫn phải được đảm bảo một phần tiền lương đủ cho cuộc sống.

CHẤP NHẬN TỪ BỎ DẦN LAO ĐỘNG GIÁ RẺ

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần rà soát lại tất cả các quy định về phòng, chống dịch sao cho an toàn nhưng không quá phức tạp, đặc biệt là vấn đề về xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp cần rất linh hoạt để không là gánh nặng với doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải làm mọi việc một cách thực chất, không chỉ là hình thức, và có trách nhiệm với chính người lao động của mình.

Toàn cảnh phiên chất vấn đầu giờ sáng 11/11. Ảnh - Quochoi.vn. 
Toàn cảnh phiên chất vấn đầu giờ sáng 11/11. Ảnh - Quochoi.vn. 

Bên cạnh đó, cần đưa ra một số quy định có tính chất tạm thời, ví dụ quy định về việc nới “trần” làm thêm với người lao động trong một thời gian ngắn, vì cuối năm là thời điểm chốt các đơn hàng nhằm tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Ngoài ra, một số biện pháp khác như chủ động lo vaccine phòng bệnh cho người lao động, bố trí đón người lao động trở lại.

Cho rằng, việc thiếu lao động hiện không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà nhiều nước có điều kiện tương đồng với chúng ta cũng gặp phải tình trạng này. “Singapore, Malaysia còn thiếu tới gần 1 triệu lao động, họ còn phải tính đến việc mở cửa đón lao động nước ngoài vào”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, để thu hút lao động cần có gói hỗ trợ riêng cho những lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt lưu ý đến cả những người nhà đi theo.

Về lâu dài, trước sức ép tăng trưởng, Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương phải tìm cách thu hút lao động về như một lợi thế cạnh tranh. Nhưng thực tế đợt dịch vừa qua đã bộc lộ rằng có những khu vực công nhân tập trung quá “đậm đặc”. Những nơi có ký túc xá thì chống dịch thuận lợi, còn khu người dân ở trong nhà trọ dân sinh thì đời sống rất khó khăn.

“Lúc bình thường họ đã khổ, lúc có dịch thì khổ vô cùng. Có những phòng trọ chỉ trên dưới chục mét vuông, hầu hết người lao động thuê chung, ở chung. Có những gia đình cả vợ chồng, con cái, rồi mẹ già lên trông con cùng ở”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm rằng, tới đây phải có một chương trình không chỉ về xây dựng nhà ở mà cần xem xét từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động.

Thậm chí phải chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ, thâm dụng lao động. Theo Phó Thủ tướng, đây là những vấn đề đã bộc lộ rất rõ trong đợt dịch vừa qua, đương nhiên sẽ có ảnh hưởng đến chiến lược thu hút lao động, thu hút FDI, song nếu có sự chuẩn bị tốt chúng ta vẫn sẽ giữ được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn dịch chuyển được cơ cấu lao động.