20:00 10/11/2021

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lên 3 kịch bản giải quyết thiếu hụt lao động sau dịch

Nhật Dương

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng 3 kịch bản để giải quyết việc thiếu lao động. Đó là: Sử dụng đối tượng đang học nghề; Đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động và sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh - Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ tạo việc làm, khôi phục thị trường lao động của các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 10/11.

HAI VẤN ĐỀ LỚN CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập tình trạng người dân về quê sau dịch dẫn đến thực trạng thiếu hụt lao động. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, những biến động về tình hình việc làm vừa qua cũng bộc lộ các vấn đề còn tồn tại của thị trường lao động.

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 10/11. Ảnh - Quochoi.vn. 
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 10/11. Ảnh - Quochoi.vn. 

Trên thực tế, thị trường lao động đang có 2 vấn đề lớn là: đào tạo chưa gắn với nhu cầu; chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.

“Tôi từng làm việc với TP. HCM và đặt hàng địa phương thử dự báo cung cầu lao động ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả là số người tham gia vào thị trường lao động ở khu vực còn thiếu, đang cần, có mức lương tốt lập tức thay đổi. Vậy nên nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Vấn đề khác là liên kết đào tạo nghề hiện nay cũng còn “lỏng lẻo”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, ở các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là đương nhiên và đã tồn tại hàng trăm năm. Chẳng hạn ở Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học.

Tương tự ở các nước phát triển, doanh nghiệp cho rằng đào tạo lao động là bắt buộc, còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vì vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các trường nghề lớn ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới đầu ra là chỗ làm để sinh viên chưa ra trường biết được sau khi ra trường mình về đâu.

Đối với tình trạng lao động gián đoạn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đã xây dựng 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản đầu tiên là sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề. Kịch bản thứ hai là đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động. Kịch bản thứ ba là sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất.

“KÉO” LAO ĐỘNG QUAY TRỞ LẠI BẰNG CÁCH NÀO?

Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đặt vấn đề, cần giải pháp căn cơ nào để phục hồi thị trường lao động. Vấn đề này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là cần đưa ra các chính sách cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trước hết phải tập trung hỗ trợ rất tốt các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thứ hai là cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình để học sinh học nghề ngay năm thứ 2.

Thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí.

Cũng liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thêm rằng, trong báo cáo hôm 8/11 gửi Quốc hội ông đã viết bốn trang rất kỹ về các giải pháp.

Trong đó trước hết là nhóm giải pháp giữ chân người lao động;

Nhóm giải pháp thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại;

Nhóm giải pháp thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới;

Nhóm giải pháp thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, quan trọng là phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, phải chăm lo an sinh thật tốt, có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm như: vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, nơi gửi trẻ. Ngoài ra, cần bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động đó là tiêm vaccine.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế an sinh xã hội lâu dài, Bộ trưởng nhắc lại, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội.

“Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án về vấn đề này, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân trong thời gian tới.

Trong đó, sẽ chú trọng các vấn đề liên quan như: đời sống, thu nhập cho người nghèo; người yếu thế, người có công, vấn đề về nước sạch và vệ sinh môi trường... để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

 
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 1/10/2021 đến nay, tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất khoảng 50-80% công suất, lực lượng lao động phục hồi khoảng 75% so với trước dịch, có địa phương trên 90% .
Tại TP. HCM và 8 tỉnh có đông lao động tại miền Nam và miền Trung, tình trạng thiếu lao động ở nhiều doanh nghiệp so với nhu cầu và để đáp ứng đơn hàng là có. Tuy nhiên, mức độ thiếu hiện nay nhìn chung không trầm trọng do các doanh nghiệp cũng từng bước phục hồi, vừa triển khai sản xuất, vừa phải phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn theo quy định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngay cả khi không có dịch bệnh Covid-19, việc thiếu lao động cục bộ vào thời điểm cuối năm vẫn xảy ra. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động vẫn chiếm khoảng 20-30% số lao động do phải thay thế, đặc biệt cao vào cuối quý 4 hàng năm do phải hoàn thành các đơn hàng và vào dịp sau Tết do lao động ngoại tỉnh về quê chưa quay trở lại làm việc như thông thường hàng năm.