Người tiêu dùng ưu tiên thực phẩm an toàn
Sạch là tiêu chí đầu tiên người tiêu dùng hôm nay nhắm đến khi mua thực phẩm. Từ chợ truyền thống, đến hệ thống siêu thị hay trên “chợ mạng”, những lời quảng cáo “VietGAP”, “hữu cơ” đều thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng...

Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn thực phẩm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng hiện đại còn chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất và chất lượng dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo PGS.TS. BS. Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, thực phẩm sạch là thực phẩm không bị ô nhiễm hoá chất, vi khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý. Đó là các loại thực phẩm khi nuôi trồng, sản xuất phải đạt được một trong hai yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đã được công nhận: Tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn GlobalGAP.

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM cho thấy, người tiêu dùng đang chuyển dần từ việc chuộng giá rẻ sang ưu tiên hàng hữu cơ vì sức khỏe. Nhiều siêu thị bố trí quầy trưng bày các sản phẩm hữu cơ ở vị trí nổi bật, thu hút khách.
THỰC PHẨM HỮU CƠ ĐẮT KHÁCH
Dù giá có thể đắt hơn gấp rưỡi tới gấp đôi hàng thường, nhưng sức mua hàng hữu cơ của người tiêu dùng vẫn tăng mạnh. Rau cải hữu cơ tại siêu thị BRG Mart có giá 45.000 đồng/bó, cao gấp đôi rau thường. Một khay trứng gà hữu cơ tại L’s Place giá khoảng 78.000 đồng/6 quả, trong khi trứng thường chỉ hơn 30.000 đồng/10 quả. Hay bí xanh tại cửa hàng thực phẩm Xanh Sẫm có giá 75.000 đồng/trái, rau dền 62.000 đồng/kg, đắt gấp 2 đến 3 lần tại chợ truyền thống. Dù vậy, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả.
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc Thương mại Farmers Market (TP.HCM), cho biết doanh số nhóm hàng hữu cơ tăng 20 - 30% mỗi tháng. Hệ thống này hiện có 300 mã hàng hữu cơ, chiếm 10% tổng sản phẩm, và dự kiến nâng lên 600 mã vào cuối năm nay. "Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sống, tạo động lực để các nhà bán lẻ đẩy mạnh dòng hàng hữu cơ", ông Lộc nhìn nhận.
Bà Huỳnh Ngọc Bích Đào, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Xanh, cho biết đã thực hiện truy xuất nguồn gốc từ 10 năm nay. Quy trình kiểm soát bắt đầu từ trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, đến nhà xưởng, sơ chế, đóng gói và từng sản phẩm được đưa lên kệ bán lẻ. Theo bà Đào, trên tất cả sản phẩm của Đồng Xanh đều có mã QR, nên việc doanh nghiệp tham gia chương trình Tick xanh trách nhiệm là lời khẳng định cho cam kết đóng góp vào mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.

Tại Lễ hội thực phẩm hữu cơ ngày 16/5/2025, TS. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ sản phẩm loại này trong nước tăng bình quân 15% mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp phát triển vùng trồng, nguyên liệu, mở rộng kênh phân phối nhằm phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Chẳng hạn như Minh Phú, doanh nghiệp từng chuyên xuất khẩu tôm sinh thái, hiện đã đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị trong nước và ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Tương tự, trứng gà "nhân đạo" của Công ty Vĩnh Thành Đạt có giá cao hơn 30% so với trứng thường, nhưng đạt tăng trưởng 20 - 30% mỗi năm, gấp đôi sản phẩm thông thường.
DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI TIÊU DÙNG
Trong quá trình phát triển kinh tế thương mại, TP.HCM luôn hướng đến mục tiêu phải xây dựng một chuỗi cung ứng trách nhiệm từ sản xuất, chế biến đến phân phối và tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, gần đây việc thiết lập chuỗi cung ứng hình thành cộng đồng trách nhiệm đã và đang được triển khai lan tỏa trên địa bàn thành phố.
Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ kết nối giao thương Satra năm 2025, hệ thống siêu thị này đã ký kết với 10 nhà cung cấp tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được tạo điều kiện về không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong hệ thống đến người tiêu dùng.
Ngược lại, họ phải có trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa theo quy định. “Tick xanh trách nhiệm” cũng cho phép người dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng cách quét mã QR, qua đó củng cố niềm tin và sự minh bạch.

Tương tự, MM Mega Market Việt Nam với 7 nhà cung cấp mới đây cũng vừa ký kết tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đồng thời cũng ký kết hợp tác với Yến đảo Cần Giờ - thương hiệu OCOP 4 sao, phát động Tuần lễ khuyến mãi Bơ Lâm Đồng... Theo đại diện MM Mega Market Việt Nam, Việt Nam không chỉ là nơi nhà bán lẻ này hoạt động, mà sản phẩm tại MM chú trọng thu mua nội địa, xây dựng chuỗi cung ứng từ nông trại đến bàn ăn...
Về phía cơ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết việc gắn Tick xanh trách nhiệm đã và đang lan tỏa trong doanh nghiệp, nhà bán lẻ… cho thấy tinh thần chủ động cao và phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt, vận động nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng thực phẩm TP.HCM.
Cùng với đó, các bên tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm cam kết nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát, tự nguyện chia sẻ thông tin… và đây chính là hành động trách nhiệm được người tiêu dùng tín nhiệm, cũng như đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, chuyên gia về công nghệ thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh khuyến nghị: "Người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi thực phẩm bẩn. Nếu mọi người đều ưu tiên thực phẩm an toàn, những đơn vị kinh doanh thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống. Người tiêu dùng cũng cần chủ động tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý".

Người tiêu dùng khi mua sắm nên chọn thực phẩm có nhãn mác, chứng nhận từ các cơ quan chức năng như VietGAP, GlobalGAP, OCOP sẽ đáng tin cậy hơn. Rau củ có màu sắc quá bắt mắt, không có dấu hiệu héo úa có thể đã bị xử lý hóa chất. Thịt cá có mùi lạ, màu sắc khác thường thường là dấu hiệu của thực phẩm ôi thiu hoặc bị tẩm hóa chất...
TP.HCM cũng đã triển khai hệ thống mã QR giúp truy xuất nguồn gốc thịt, rau củ, hải sản tại nhiều siêu thị và chợ đầu mối, người tiêu dùng có thể tận dụng công nghệ này để kiểm tra thông tin trước khi mua hàng.