Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng khó tính và nhạy cảm về giá
Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng liên tục thay đổi và biến động, việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp…
Theo báo cáo của NielsenIQ (NIQ), hiện nay hầu hết các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đều lo ngại về sự gia tăng của giá lương thực. Tại Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là về tình hình kinh tế, giá thực phẩm và sức khỏe.
THÓI QUEN TIÊU DÙNG DẦN THAY ĐỔI
Trong bối cảnh tiêu dùng hiện nay, NIQ nhận định phần lớn người Việt vẫn cảm thấy an toàn về mặt tài chính. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về tình hình kinh tế không ổn định và mất việc làm. Báo cáo của NIQ cho thấy người Việt còn có xu hướng cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu và có xu hướng nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Dù vậy, ngành FMCG (Hàng tiêu dùng nhanh) duy trì tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2024. Ông Shadab Ansari, Giám đốc Thông tin Người tiêu dùng và Tiếp thị, NielsenIQ Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng khó tính và nhạy cảm về giá hơn, nhất là khi có những biến động về giá trên thị trường.
Song, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn cho các thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng cao. Người mua sắm Việt Nam vẫn trung thành với các thương hiệu đáng tin cậy nhưng cũng có sự quan tâm và khám phá các nhãn hàng riêng đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu.
Mặt khác, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách Phát triển thị trường cho dịch vụ về Đo lường bán lẻ, NielsenIQ Việt Nam, cho rằng thị trường tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là sự gia tăng của mua sắm trực tuyến và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
“Kênh bán hàng truyền thống đang có xu hướng chững lại, trong khi kênh bán hành xu hướng hiện đại có mức tăng trưởng ổn định. Kênh bán hàng truyền thống có suy giảm theo vùng như thị trường miền Nam kênh bán hàng truyền thống chậm hơn thị trường các vùng miền khác”, bà Dung nhận định.
Ngoài ra, báo cáo của NIQ cho thấy tỷ mua sắm trực tuyến đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt là khi người mua sắm dần chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử, siêu ứng dụng và ứng dụng hoặc trang web của các nhà bán lẻ với kênh phân phối hiện đại (modern trade).
Sự chuyển dịch này thể hiện rõ ràng nhất ở ngành hàng phi thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, trong khi với mặt hàng thực phẩm và đồ uống thì các kênh phân phối truyền thống (traditional trade) vẫn chiếm ưu thế. Sự tiện lợi và việc không cần đến thanh toán tiếp xúc (contactless) đã khiến mua sắm trực tuyến trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều người mua sắm Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng liên tục thay đổi và biến động, việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Để bán hàng với chiến lược hiểu quả, dựa trên nghiên cứu và phân tích của NielsenIQ, chiến lược này tập trung vào năm yếu tố chính để đảm bảo sự thành công trong kinh doanh bán lẻ: đúng điểm bán, đúng sản phẩm, đúng mức giá, đúng hình thức trưng bày và đúng hoạt động kích cầu”, bà Dung khuyến nghị.
Bên cạnh đó, việc xác định đúng điểm bán là một trong những yếu tố quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần tập trung vào các khu vực có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất. Điều này đòi hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng và liên tục cập nhật thông tin về các khu vực "vàng" và cửa hàng tiềm năng.
Đồng thời, chọn đúng sản phẩm để phân phối tại từng khu vực cũng là một yếu tố then chốt. Đặc biệt, việc lập chiến lược về mức giá hợp lý với khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày, dựa trên thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu, sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn…
Cuối cùng, bà Dung khuyến khích doanh nghiệp tập trung các hoạt động kích cầu hiệu quả trong chiến lược bán lẻ. Cụ thể, doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá và cải tiến các hoạt động quảng bá, khuyến mãi để duy trì và gia tăng sự quan tâm của khách hàng.
NGÀNH HÀNG CÔNG NGHỆ KHỞI SẮC
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, tín hiệu khởi sắc của ngành công nghệ đã được ghi nhận. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy trong quý 1/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong khi xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin cũng khởi sắc khi tăng 17%, đạt mức 31 tỷ USD.
Theo khảo sát doanh nghiệp ngành công nghệ của Vietnam Report, gam màu lạc quan bao phủ thị trường với 100% số doanh nghiệp đồng thuận rằng tăng trưởng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành trong nửa cuối năm, song hành cùng sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế vĩ mô.
Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự bứt phá mạnh mẽ của ngành trong nửa cuối năm đã xuất hiện trở lại (11,1%) và 88,9% số doanh nghiệp dự báo ngành công nghệ thông tin sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng tới (tăng 17,5% so với kết quả khảo sát cách đây một năm).
Bên cạnh đó, những quý đầu của năm 2024, tăng trưởng kinh tế tích cực có sự góp phần đáng kể từ tăng sự đóng góp về doanh thu của ngành tiêu dùng công nghệ điện tử lâu bền (Tech&Durables).
Theo ông Trần Khoa Văn, Giám đốc Thương mại ngành hàng Tiêu dùng Công nghệ điện tử lâu bền, NielsenIQ Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng công nghệ điện tử lâu bền Việt Nam đang bám sát đà tăng trưởng trên thế giới, thể hiện qua việc các mặt hàng giá trị cao ghi nhận mức tăng mạnh mẽ trong năm vừa qua.
Chẳng hạn như tỷ lệ tăng trưởng của phân khúc lò vi sóng tích hợp đồng hồ kỹ thuật số tăng 70% dù sản phẩm lò vi sóng giảm 3%, hay máy lọc không khí tích hợp công nghệ làm sạch và tạo độ ẩm tăng 123% và máy lọc không khí tích hợp điều khiển thông minh tăng 114%.
Ông Văn cho rằng điều này phản ánh nhu cầu mua sắm đang tăng lên ở các mặt hàng gia dụng tích hợp nhiều tính năng và công nghệ tiên tiến đi kèm chất lượng cao, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức và người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn với giá cả.
Ngoài ra, các mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1/2024 cũng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên sản phẩm có lợi đối với sức khỏe và mang tính bền vững, lâu dài khi sử dụng hơn.